Những bài học kinh nghiệm
Đi vào phân tích các chỉ số thành phần trong hành trình 10 năm PCI của Đà Nẵng, sẽ cho chúng ta một bức tranh chi tiết hơn:
i) Trong 10 chỉ số thành phần của PCI 2014 thì Đà Nẵng đã có 6 chỉ số tăng thứ hạng, trong đó có 4 chỉ số tăng cả điểm số là Chi phí gia nhập thị trường, Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, và xuất sắc nhất là Chất lượng đào tạo lao động đã từ vị trí thứ 2 năm 2013 vươn lên dẫn đầu năm 2014 với điểm số tăng từ 6,53 lên 7,53.
Còn 2 chỉ số Chi phí không chính thức và Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh tuy tăng thứ hạng nhưng lại giảm điểm số. Có thể nhận định là Đà Nẵng đã đề ra được chính sách tốt và thực hiện hiệu quả trong đào tạo lao động, trong giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp, trong môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai, trong phát triển dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng có chất lượng tốt hơn.
ii) Hầu hết các chỉ số thành phần có điểm số biến động tăng, giảm qua các năm, nhưng đã thể hiện xu hướng chung là có sự suy giảm dần của điểm số, đặc biệt là như những chỉ số có số điểm trung bình khá thấp qua các năm như Thiết chế pháp lý, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian để thực hiện các quy định, Chi phí không chính thức, Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh đã thể hiện xu hướng suy giảm điểm số rõ nét so với các năm trước.
Nguyên nhân có thể doanh nghiệp ngày càng giảm lòng tin hơn trước đối với việc tổ chức thực hiện của các sở, ngành, mặc dù trên tổng thể cả về chính sách và sự điều hành của chính quyền thành phố đã có sự nổ lực một cách rõ rệt trên các lĩnh vực này. Ở đây có thể nêu điển hình về thủ tục hành chính phức tạp, về chi phí không chính thức, về thời gian… khi tiếp cận đất đai, quy hoạch, xây dựng mà doanh nghiệp phải đối mặt. Những vấn đề này trong nhiều năm qua chưa có sự chuyển biến thật sự căn bản và tích cực.
iii) Nếu một trong các chỉ số có điểm số dưới 5 mà các chỉ số khác không tăng điểm số thì vị trí của Đà Nẵng sẽ tụt hạng ngay lập tức. Đơn cử năm 2011, Đà Nẵng xếp thứ 5; điểm số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp là 3,73, thấp nhất trong các điểm số cấu thành PCI của năm này (tham khảo Bảng 3).
Nguyên nhân là phần lớn các doanh nghiệp ít sử dụng các dịch vụ tư nhân phục vụ cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tỷ lệ thực hiện hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư và các dịch vụ liên quan đến công nghệ rất thấp. Có thể nhận định rằng, doanh nghiệp chưa thật sự tin tưởng đối với các đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ do chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng về chất lượng và giá cả.
Năm 2012, Đà Nẵng xếp thứ 12; ngoài điểm số về Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp dưới 5 điểm (4,73) thì điểm số của chỉ số thành phần Thiết chế pháp lý chỉ có 3,05 điểm và xếp vị trí thứ 50 trên 63 tỉnh, thành (tham khảo Bảng 2). Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp còn thiếu niềm tin vào hệ thống tư pháp để giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp (chỉ có 18,5% doanh nghiệp được khảo sát tin vào hệ thống tư pháp cho phép các doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng của công chức; 45,13% doanh nghiệp tin vào hệ thống pháp lý sẽ bảo vệ hợp đồng và các quyền tài sản và chỉ có 21,43% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án các cấp ở tỉnh để giải quyết tranh chấp).
iv) Đặc biệt trong kết quả PCI năm 2014, thì chỉ số thành phần Cạnh tranh bình đẳng (đây là chỉ số mới được đưa trở lại từ năm 2013) tiếp tục bị sụt giảm so với năm trước về cả điểm số (4,81 điểm) và thứ hạng (39/63 tỉnh, thành), thấp nhất trong các chỉ số thành phần của năm (tham khảo bảng 4). Tuy nhiên nhờ vào điểm số các chỉ số thành phần khác tăng điểm nên điểm tổng hợp của Đà Nẵng vẫn cao nhất và giữ vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI 2014.
Nguyên nhân có thể doanh nghiệp cho rằng chính quyền tiếp tục vẫn ưu ái cho các doanh nghiệp thân quen và ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển doanh nghiệp dân doanh của thành phố. Đây là vấn đề khá cấp thiết đối với thành phố trong giai đoạn phát triển mới, khi mà thành phố xác định sự ổn định và phát triển của các thành phần doanh nghiệp sẽ là động lực mới để phát triển kinh tế, xã hội.
Hành trình 10 năm PCI đã phản ánh rõ nét sự phát triển kinh tế xã hội, vị thế của Đà Nẵng so với 63 tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời theo phân tích trên cũng cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc để biết mình đang ở đâu, đang thiếu gì và cần phải làm gì.
Để tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu
Kết quả xếp hạng PCI hằng năm tổng hợp từ kết quả điều tra được thực hiện với sự tham gia của khoảng 10.000 doanh nghiệp dân doanh của 63 tỉnh/thành và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Kết quả này được thực hiện một cách độc lập, dựa trên đánh giá của các doanh nghiệp vì vậy phản ánh khá chính xác năng lực điều hành kinh tế của địa phương, cảm nhận cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp về vị trí và vai trò của chính quyền từng địa phương.
Chính vì vậy để môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, và Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI Việt Nam trong những năm tới, theo tôi, thành phố cần triển khai một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố, giữ vững vị trí dẫn đầu trong năm 2015 và những năm tiếp theo:
i) Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh:
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra nhằm giảm tối đa số giờ doanh nghiệp phải làm việc của với các cơ quan nhà nước… Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp;
- Hỗ trợ tích cực hơn nữa cho doanh nghiệp mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác kinh doanh ngoài nước.
- Tăng cường hoạt động cung cấp thông tin và cung ứng dịch vụ công cho doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị cung cấp dịch vụ công cần rà soát và hoàn thiện các quy trình cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến với giao diện thân thiện và dễ sử dụng; tăng cường liên kết, kết nối với các hệ thống của ngân hàng, kho bạc, cơ quan thuế, hải quan… để nhanh chóng cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến với doanh nghiệp, người dân;
- Củng cố hệ thống đấu thầu trực tuyến; công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến đấu thầu, mua sắm tài sản công, tạo công bằng đối với các doanh nghiệp tham gia đấu thầu mua sắm công.
- Thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc và đối thoại với doanh nghiệp; đồng hành cùng doanh nghiệp, linh hoạt, sáng tạo và có biện pháp kiên quyết trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
ii) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 29/CT-TU ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới.
- Rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính Phủ trong đó tập trung tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực thi các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố; đẩy mạnh cắt giảm các chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính của doanh nghiệp;
- Nghiên cứu tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký mẫu dấu và thời gian cấp các loại giấy phép con, thời gian giao đất, cấp GCNQSD đất, phê duyệt quy hoạch đất đai, xây dựng cho nhà đầu tư;
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước…
iii) Triển khai đồng bộ các chính sách phát triển doanh nghiệp
- Tiếp tục mở rộng hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; mở rộng nội dung hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp, đồng thời mạnh dạn có những cơ chế đột phá đặc biệt phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, đầu tư xây dựng kho tàng, cơ sở kinh doanh thương mại phục vụ nhu cầu phát triển dịch vụ của thành phố.
- Các sở, ngành có liên quan trực tiếp đến công việc của DN cần tăng cường giám sát bộ phận hỗ trợ DN để cung cấp các thông tin về các quy định kinh doanh do Trung ương và địa phương ban hành.
iv) Đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông đến doanh nghiệp
- Triển khai công tác thông tin, phổ biến pháp luật, văn bản mới về hỗ trợ doanh nghiệp, về hội nhập TPP, AEC, AKFTA,…; định kỳ thực hiện các phóng sự, tọa đàm, bài viết, góc chuyên đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Cổng thông tin điện tử thành phố và trên các Trang thông tin điện tử chuyên ngành;
- Nâng cao năng lực hoạt động của các hội, hiệp hội doanh nghiệp; phát huy vai trò của các Hội, Hiệp hội trong việc tham gia, đóng góp các sáng kiến, hiến kế phù hợp liên quan đến các cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN phát triển; tăng cường vai trò cầu nối giữa chính quyền và DN của các hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố.
PCI trong 10 năm qua đã phản ánh rõ nét về môi trường đầu tư và năng lực quản lý kinh tế của chính quyền thành phố, trong đó có nhiều giai đoạn được tỏa sáng nhưng cũng có thời điểm “sa sút” do chủ quan, xem nhẹ sự phát triển của cộng động doanh nghiệp.
Bài học lớn vẫn là sự quyết tâm vào cuộc và đồng hành cùng doanh nghiệp của chính quyền thành phố và các cấp, ý thức trách nhiệm cao của người đừng đầu các cơ quan, đơn vị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp cần ý thức đầy đủ về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại như TPP, AEC, AKFTA,… từ đó nhận diện rõ hơn, thực chất hơn và toàn diện hơn về tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức đúng đắn của người dân về vai trò, động lực của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Thực hiện được các giải pháp nêu trên không những góp phần duy trì, phát triển vị trí dẫn đầu chỉ số PCI của Đà Nẵng trong những năm đến mà còn là nâng cao vị thế về kinh tế, chính trị của thành phố lên một tầm cao mới trong tương lai.
Võ Duy Khương
Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng