Kinh tế

Phát triển công nghiệp phụ trợ: Cần xác định đúng trọng tâm

07:29, 05/06/2015 (GMT+7)

Tiến hành khảo sát, đánh giá đúng những điểm mạnh và yếu, tìm ra được phân khúc phù hợp với khả năng của doanh nghiệp thành phố… là những vấn đề cần quan tâm nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nhất là thời điểm hội nhập sâu rộng đang đến gần.

Một số ngành công nghiệp phụ trợ liên quan đến công nghiệp ô-tô ở Đà Nẵng đã tạo được chỗ đứng khi cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản.
Một số ngành công nghiệp phụ trợ liên quan đến công nghiệp ô-tô ở Đà Nẵng đã tạo được chỗ đứng khi cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đà Nẵng có thế mạnh để phát triển

Theo ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng, hiện nay ngành công nghiệp phụ trợ của thành phố đã hình thành và tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường. Một số ngành như: công nghiệp ô-tô, phụ tùng máy móc…

Sản phẩm của Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng, Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam… không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản. Tính đến tháng 6-2015, toàn thành phố có 333 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,39 tỷ USD, vốn thực hiện đạt hơn 2 tỷ USD.

Trong đó, có 56 dự án FDI đầu tư ở các ngành công nghiệp phụ trợ với tổng vốn đạt hơn 517,7 triệu USD. Các dự án công nghiệp phụ trợ này tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, bao bì, mút xốp, màng bọc, phụ tùng máy móc, các nguyên liệu phục vụ cho ngành may mặc… 5 tháng đầu năm 2015 đã thu hút thêm 22 dự án mới với tổng vốn 33 triệu USD.

Ông Lâm Quang Minh cho rằng, Đà Nẵng có nhiều thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ như nguồn nhân lực, vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng phần nào đáp ứng được yêu cầu nhà đầu tư.

Cần có chiến lược dài hạn

Một chiến lược dài hạn, đầu tư có trọng tâm, phù hợp với trình độ và thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp địa phương là vấn đề quan trọng, cần được triển khai nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Đà Nẵng ngay từ bây giờ.

Dưới góc nhìn của một người có thâm niên hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành cơ khí, ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho rằng, không thể không nuối tiếc khi Đà Nẵng từng là địa phương có ngành công nghiệp cơ khí rất phát triển nhưng đến nay đã lụi tàn dần. Từ một thị trường cung ứng dồi dào các nguyên vật liệu, đến nay khi doanh nghiệp có nhu cầu phải đi mua từ Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh.

Công nghiệp phụ trợ là bộ phận đặc thù trong cấu thành công nghiệp, chuyên làm chức năng sản xuất những sản phẩm hỗ trợ cho việc tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh. Đặc trưng của ngành công nghiệp phụ trợ là sản xuất quy mô nhỏ được thực hiện chủ yếu bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nói cách khác, phát triển công nghiệp phụ trợ cũng chính là hỗ trợ, phát triển DNNVV.

Với số lượng gần 98% doanh nghiệp trên địa bàn là DNNVV, công nghiệp phụ trợ chính là vấn đề sống còn nhằm góp phần giúp cộng đồng DNNVV đón nhận làn sóng hội nhập một cách chủ động và tận dụng được lợi ích mà nó đem lại.

Để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, ông Lâm Quang Minh đề xuất, thành phố cần tiến hành những bước khảo sát, điều tra để chỉ ra được những điểm mạnh và yếu của ngành công nghiệp này; đồng thời, phải đặt nó trong tổng thể nhu cầu và xu thế phát triển chung của khu vực và châu lục. Đặc biệt, cần có tầm nhìn và chiến lược phát triển lâu dài; qua đó, mới chọn ra được phân khúc mà mình có năng lực để đáp ứng được.

Ông Minh chỉ ra thực tế, không phải bây giờ mà gần 20 năm qua, chúng ta đã đề cập việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều tiến triển. Trong khi chúng ta thường ảo tưởng về cụm từ “nội địa hóa” thì trên thực tiễn, doanh nghiệp chỉ cần tham gia và nắm chắc một vài phân khúc trong dây chuyền sản xuất toàn cầu của sản phẩm đã là thành công. Ngoài ra, việc triển khai chương trình “Vườn ươm doanh nghiệp” là bước đi cần thiết nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân trẻ về tuổi đời cũng như nhanh nhạy trong việc bắt kịp xu thế phát triển chung của thời đại toàn cầu hóa.

Bài và ảnh: Khánh Hòa

.