Kinh tế

Đất nông nghiệp bỏ hoang vì dự án: Cần giải quyết dứt điểm

07:32, 20/07/2015 (GMT+7)

Thực hiện chủ trương phát triển, mở rộng không gian đô thị, hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bị thu hồi, giải tỏa.

Đất nông nghiệp ở xã Hòa Liên bị hoang hóa do ảnh hưởng dự án.
Đất nông nghiệp ở xã Hòa Liên bị hoang hóa do ảnh hưởng dự án.

Cùng theo đó, hàng trăm héc-ta khu vực kế cận các dự án cũng bị ảnh hưởng, đã và đang bị hoang hóa nhiều năm nay. Giải quyết diện tích đất nông nghiệp không sản xuất này theo hướng nào đang là bài toán đặt ra cho chính quyền các cấp và cơ quan chức năng?

Cách đây 5-7 năm, cánh đồng rộng hơn 200ha của xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) khá màu mỡ, mỗi năm 2 vụ lúa năng suất cao. Khi các dự án: Khu tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 triển khai, cánh đồng này bị san lấp nâng cao trình xây dựng khu dân cư. Do quy hoạch của dự án, sát bên khu vực bị san lấp vẫn còn đất canh tác, nhưng không thể sản xuất do nguồn nước cấp không còn. Nhiều năm nay, sát khu dân cư mới là đồng cỏ.

Bà Ngô Thị Lư ở thôn Vân Dương 1 cho hay: Trước đây cánh đồng này rộng lắm. Nay khu tái định cư mọc lên, đất nông nghiệp chỉ còn rẻo nhỏ, không chủ động nước tưới đành bỏ hoang hóa. Gia đình tôi có 2 sào. Mấy năm trước, năm nào cũng được hỗ trợ 3.000 đồng/m2. Năm nay chưa thấy hỗ trợ. Nhìn ruộng của mình hoang hóa nhiều năm cũng buồn lắm, song chẳng biết làm cách nào để sản xuất. Không sản xuất, không thu nhập, tiền hỗ trợ cũng chỉ đỡ phần nào.

Ông Phạm Đình Nhơn, Trưởng thôn Vân Dương 1 rất thấu hiểu và chia sẻ khó khăn của người dân khi đất canh tác bị hoang hóa nhiều năm trời. Ông cho biết: Riêng thôn Vân Dương 1 có khoảng 100 hộ với hơn 6ha ruộng bị hoang hóa do ảnh hưởng các dự án Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 mở rộng và kênh thoát lũ.

Diện tích này không nằm trong dự án, song không thể sản xuất do kênh dẫn nước đã bị san lấp; hơn nữa, diện tích còn lại không lớn, sản xuất bị chuột, sâu bệnh gây hại, thu nhập chẳng ăn thua nên ai nấy bỏ hoang. “Theo tôi, không thể kéo dài tình trạng này mãi. Tốt nhất thành phố nên thu hồi, đền bù dứt điểm cho dân. Nếu không thể lập dự án trên diện tích bỏ hoang ấy, ngành nông nghiệp cần triển khai việc phục hồi sản xuất”, ông Nhơn đề xuất.

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, năm 2015, toàn thành phố có 159,04ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các dự án nên không sản xuất được. Trong đó, huyện Hòa Vang có 68,12ha, quận Ngũ Hành Sơn: 33,65ha, quận Cẩm Lệ: 13,96ha, quận Liên Chiểu: 43,3ha.

Ở huyện Hòa Vang, năm 2014 có 78,53ha đất nông nghiệp bị hoang hóa do ảnh hưởng từ các dự án, trong đó đất quỹ 1: 69,1ha, đất quỹ 2: 9,37ha. Diện tích này đã được thành phố hỗ trợ 2,356 tỷ đồng và  đến cuối tháng 6 vừa qua đã chi trả đầy đủ cho nông dân. Năm 2015 có 68,12ha đất nông nghiệp không sản xuất được, trong đó đất quỹ 1: 47,2ha, còn lại là đất quỹ 2. Hòa Châu là xã có nhiều diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nhất với 26,56ha, tiếp đó là xã Hòa Sơn: 22,18ha...

Người dân và lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, giải pháp tốt nhất cho tình trạng đất nông nghiệp bị ảnh hưởng từ các dự án bị hoang hóa nhiều năm là thu hồi, đền bù dứt điểm. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT tổng hợp và đề xuất chủ trương thu hồi. Theo đó, trong số 159,04ha bị ảnh hưởng, sở đã có văn bản đề nghị thành phố ra quyết định thu hồi 132,98ha (trong số đề nghị thu hồi mới có 14,49ha đã có dự án, số còn lại chưa có dự án). 26,07ha ở huyện Hòa Vang sẽ phục hồi canh tác.

Đối với diện tích đề nghị thu hồi để đền bù dứt điểm, năm 2015 này đề xuất hỗ trợ như các năm trước, tức là 3.000 đồng/m2. Với 132,98ha, tổng nguồn hỗ trợ cho nông dân cũng khoảng 4 tỷ đồng. Được biết, hiện tại một số diện tích đã đề xuất thu hồi, cơ quan chức năng tiến hành kiểm định, áp giá nhưng chưa chi trả.

Đối với diện tích không thu hồi, rất cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để tiến hành sản xuất nhằm giảm bớt nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Cụ thể như ở quận Liên Chiểu, hiện có 24,7ha bị ảnh hưởng, quận đã đề xuất phương án sử dụng diện tích trên vào việc lập trại chăn nuôi hoặc trồng cây ăn quả... Hoặc ở quận Cẩm Lệ, đề xuất chuyển 1.727m2 đất nông nghiệp bị ảnh hưởng sang đất thổ cư...

 Mấy năm gần đây, năm nào ngân sách thành phố cũng phải trích ra nhiều tỷ đồng để hỗ trợ cho nông dân có đất canh tác bị ảnh hưởng từ các dự án. Cần phải chấm dứt cách làm này, bởi vừa tốn kinh phí vừa tạo tâm lý ỷ lại trong nông dân. Với 3 giải pháp thu hồi cho các dự án sẽ triển khai trong nay mai, chuyển mục đích sử dụng và phục hồi sản xuất, chắc chắn sẽ chấm dứt tình trạng năm nào cũng tốn kinh phí hỗ trợ, rất lãng phí...

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

.