Kinh tế

Tháo gỡ bức xúc của doanh nghiệp

07:36, 21/07/2015 (GMT+7)

Khoảng 2/3 câu hỏi do doanh nghiệp (DN) đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng trả lời “nóng” và kết luận ngay tại Hội nghị trực tuyến về chủ đề tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải được tổ chức sáng 20-7.

Theo các DN vận tải, đây là một kết quả ngoài mong đợi vì đã tháo gỡ nhiều khó khăn mà lâu nay DN “kêu”nhưng chưa có kết quả.

Bộ Giao thông vận tải tiếp tục duy trì  hoạt động hiệu quả các trạm cân tải trọng xe để bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả các trạm cân tải trọng xe để bảo đảm công bằng cho các doanh nghiệp.

Là người phát biểu đầu tiên và cũng ngay lập tức những vấn đề nêu lên của ông Lê Viết Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý bến xe và dịch vụ vận tải Đà Nẵng hâm nóng hội nghị. Theo ông Hoàng, việc Bộ GTVT có quy hoạch luồng tuyến rồi thì DN chỉ cần thông báo đến Sở GTVT địa phương là có thể hoạt động, không nhất thiết phải xin phép hai đầu bến đi và đến như hiện nay.

Bên cạnh đó, để quản lý tốt các xe khách sau khi rời bến thì Bộ GTVT nên cho phép bến xe được phép chia sẻ thông tin từ thiết bị giám sát hành trình. Đồng thuận với ý kiến này, ông Tạ Công Thuận, đại diện cho Chi hội Giám sát thiết bị hành trình thuộc Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, nếu làm như vậy thì việc quản lý của các cơ quan tốt hơn trong hoạt động của các DN mà không cần xin giấy phép ở các sở GTVT địa phương, vấn đề ở đây là làm sao quản lý chất lượng thiết bị giám sát hành trình cho tốt.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Bộ đã công bố luồng tuyến rồi thì cần gì xin phép nữa, DN chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng. Còn nếu như duy trì việc xin phép cơ quan chức năng thì chẳng khác gì sinh ra cơ chế “xin-cho” phức tạp”; đồng thời chỉ đạo ngay cho Cục Đường bộ việc chia sẻ rộng rãi thông tin về thiết bị giám sát hành trình để các DN, các cơ quan chức năng có điều kiện kiểm tra, giám sát hoạt động các phương tiện trên đường.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng và đại diện một số DN ở các tỉnh phía Nam cho rằng, việc xin giấy phép lưu hành hàng siêu trường siêu trọng như hiện nay là quá phức tạp về thủ tục, thời gian giải quyết lâu, trong khi giấy phép chỉ  có hiệu lực 2-3 ngày là gây khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, việc xin giấy phép siêu trường, siêu trọng nếu đi qua 3 địa phương thì phải xin phép ở các Khu quản lý đường bộ chứ không phải là ở các sở GTVT địa phương là gây nhiều phiền hà cho DN.

Khi biết việc sở GTVT các địa phương và các Khu đường bộ cấp giấy phép không có gì khác nhau, Bộ trưởng Thăng nói: “Vậy thì cớ gì mà chuyển nhiều nơi xin giấy phép như vậy làm khó DN, từ nay việc này sở GTVT có thể cấp phép, chứ không cần đến các Khu quản lý đường bộ”.

Tương tự, việc một số DN có ý kiến công tác cấp phù hiệu, lệnh đi đường đối với các xe có nhiệm vụ được yêu cầu thực hiện giảm tải cho các xe, mà làm thủ tục xin sở GTVT là quá lâu, không giải quyết được chuyện nóng trên thực tế, Bộ trưởng Đinh La Thăng kết luận ngay: “Từ nay về sau, việc cấp phù hiệu, lệnh đi đường đối với các xe được phân công, thì các sở GTVT phải tổ chức cấp ngay tại bến xe, vì đây là nhiệm vụ đột xuất không thể chấp nhận các thủ tục ruờm rà”.

Ngoài việc giải quyết “nóng” ngay tại chỗ các đề xuất của DN, một số ý kiến khác như vấn đề cho phép xe chạy với tốc độ 50km/h thay vì 40km/h qua vùng dân cư vào thời điểm từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; rút ngắn thời gian “3 năm kinh nghiệm” xuống còn 1 năm với các lái xe giường tầng; cho phép xe tải có thiết kế thùng lớn hơn tải trọng được cải hoán xe...

Bộ trưởng Đinh La Thăng ghi nhận và yêu cầu các bộ phận chuyên môn của Bộ sớm nghiên cứu và trả lời sớm cho doanh nghiệp biết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với một số ý kiến thì Bộ trưởng Bộ GTVT cũng “bác” ngay, cho rằng không thể triển khai, điển hình như việc cho phép xe tải nhỏ chở vượt 30% tải trọng; việc các doanh nghiệp xin “không có trách nhiệm” với tài xế của công ty mình vi phạm; vấn đề tránh “phí chồng phí” như hiện nay…

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cam kết thời gian tới, việc tháo gỡ “nóng” khó khăn cho DN vận tải sẽ tiếp tục được duy trì thường xuyên dưới nhiều hình thức như hội nghị trực tuyến, qua đơn thư, tin nhắn...

Tuy nhiên, về lâu dài và căn cơ hơn, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình công tác năm 2015; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các đề án chiến lược, quy hoạch đã được phê duyệt; chú trọng giải quyết các đề án tái cơ cấu vận tải trong toàn ngành...

“Đó mới chính là bước đi căn bản trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho DN phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của đất nước”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Trần Luân Sơn

.