.

Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tại Quyết định số 08/2012/QĐ-UBND ngày 2-3-2012 của UBND thành phố (gọi tắt là Quyết định 08), nêu rõ quy định một số chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ là nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ giai đoạn 2012-2015” do Sở KH&CN Đà Nẵng tổ chức ngày 17-7.

Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ để phát triển. TRONG ẢNH: Công nhân dệt vải tại Xưởng Dệt thuộc Công ty CP Dệt-may 29-3.
Doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ để phát triển. TRONG ẢNH: Công nhân dệt vải tại Xưởng Dệt thuộc Công ty CP Dệt-may 29-3.

Doanh nghiệp khó tiếp cận

Với mục đích hỗ trợ DN tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng tiếp nhận công nghệ, làm chủ công nghệ được chuyển giao, UBND thành phố ban hành các quyết định về chính sách hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố, trong đó có Quyết định 08.

Kể từ khi quyết định này có hiệu lực, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều lớp tập huấn giới thiệu, hướng dẫn cho cộng đồng DN, các nhà khoa học, các tổ chức nhận biết để tham gia. Song, đến nay, mới chỉ hỗ trợ được cho 6 DN với tổng kinh phí 305 triệu đồng. Theo Giám đốc Sở KH&CN thành phố Lê Quang Nam, thì một trong những nguyên nhân khiến việc hỗ trợ cho DN hạn chế là do các quy định trong Quyết định 08 có yêu cầu quá cao, lĩnh vực còn bó hẹp nên khả năng tiếp cận của cộng đồng DN cũng ít. Hơn nữa, do ngân sách thành phố khó khăn nên phải đến năm 2014, quyết định này mới thực sự  được triển khai có hiệu quả.

Theo các DN phát biểu tại hội thảo thì nhu cầu hỗ trợ đổi mới công nghệ của các DN là rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều DN chưa tiếp cận được với các chính sách này do không đáp ứng được các lĩnh vực được hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ... Vì vậy, cộng đồng DN Đà Nẵng mong muốn thành phố có quy chế phù hợp hơn để nâng cao tính khả thi của Quyết định 08, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận.

Cần có những điều chỉnh phù hợp

Theo Quyết định 08, một trong những loại hình công nghệ được hỗ trợ phải là công nghệ tạo sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao; điều kiện được hỗ trợ là các hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ đã được triển khai tại DN, Hợp tác xã và mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế các DN tại Đà Nẵng hầu hết là DN nhỏ và vừa (NVV) nên họ không cần đầu tư công nghệ cao (DN sẽ không áp dụng được), hơn nữa, nếu DN đã hoạt động hiệu quả rồi thì họ lại không cần sự hỗ trợ. Theo ông Phạm Tiên Phong, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ, Sở KH&CN thì theo quy định, các DN phải viết được dự án, Sở KH&CN mới có cơ sở để hỗ trợ, song, các DN lại chưa làm được. Một phần nữa là nội dung Quyết định 08 chỉ hỗ trợ về mặt công nghệ, trong khi đó các DN chưa hiểu rõ lại đòi hỏi thành phố phải hỗ trợ về thiết bị công nghệ.

Để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố, cho biết, cần mở rộng đối tượng cho các ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, khi hỗ trợ, Sở KH&CN cần bổ sung vào công tác tư vấn viết các dự án cho DN. Cùng quan điểm, ông Hà Giang, Chủ tịch Hội DN quận Cẩm Lệ đề nghị thành phố nên chọn công nghệ phù hợp với năng lực và quy mô DNNVV ở địa phương để hỗ trợ, miễn là những công nghệ mang lại năng suất chất lượng, giá thành tốt cho đơn vị thụ hưởng.

Ông Khiếu Đình Toàn, Giám đốc Công ty Tư vấn Phát triển hệ thống quản lý DN, cũng cho rằng, thành phố nên đưa vào đối tượng hỗ trợ đối với các DN thuộc lĩnh vực sản xuất thực hiện tốt nghĩa vụ thuế và công tác bảo vệ môi trường. Như vậy, nhiều DN mới có cơ hội tham gia và thụ hưởng.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.