Kinh tế

Tuyến xe buýt mẫu Đà Nẵng - Hội An: Làm mẫu nên... vắng khách

07:31, 07/07/2015 (GMT+7)

Chương trình thí điểm xây dựng tuyến xe buýt mẫu Đà Nẵng-Hội An chính thức khởi động từ đầu năm 2015, nhưng đến khi công trình nút giao thông ngã ba Huế được khánh thành vào dịp 29-3 vừa qua thì lộ trình tuyến xe buýt mẫu mới đi vào nền nếp, đúng kế hoạch đã được xây dựng.

Xe buýt phải đón, trả khách giữa lòng đường vì trạm đã bị ô-tô đậu đỗ bịt kín.
Xe buýt phải đón, trả khách giữa lòng đường vì trạm đã bị ô-tô đậu đỗ bịt kín.

Qua quan sát trực tiếp của chúng tôi cũng như ý kiến của hành khách đi trên tuyến xe buýt này cho thấy, chất lượng của tuyến xe này đã có sự chuyển biến khá tích cực. Cảm nhận đầu tiên là các xe vệ sinh sạch sẽ, rèm cửa xe, bọc ghế ngồi của khách đều được thay mới, không có mùi ẩm mốc như trước đây.

Hầu hết xe buýt đều đóng kín cửa và mở điều hòa, vì vậy không khí trên xe khá dễ chịu dù ngoài trời rất nóng nực. Đặc biệt, ở khu vực trung tâm thành phố, nhiều xe buýt “nói không” với hành khách đứng đón hoặc xuống xe nơi không có trạm xe buýt, không chở hàng cồng kềnh như trước đây. Bên cạnh đó, thái độ của nhân viên trên xe buýt nhiệt tình, vui vẻ với hành khách.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là, mặc dù chất lượng phục vụ đã được cải thiện rất rõ như vậy, nhưng ngược lại, hành khách trên xe lại ít hơn trước đây khá nhiều. 

Theo ông Đinh Văn Ba, Giám đốc Công ty CP Xe khách và Dịch vụ thương mại Đà Nẵng - đơn vị có xe buýt hoạt động trên tuyến Đà Nẵng-Hội An giải thích, điều này đã được biết trước, vì việc chỉ đón, trả khách ở các trạm xe buýt sẽ giảm mạnh lượng khách.

Lâu nay người đi xe buýt giống như đi xe... ôm; tức là, khi có nhu cầu chỉ cần đứng dọc các tuyến đường có xe buýt chạy qua để đón xe, không đến các trạm xe buýt. Nếu không đón khách như vậy cũng có nghĩa mất một lượng khách lớn. Hơn nữa, điều làm các tài xế xe buýt lo lắng là các trạm xe buýt đặt trên lộ trình hiện nay còn khá thưa thớt.

Ở những vị trí thuận lợi, có nhiều khách đi thì thường là khu vực trung tâm buôn bán lớn, nếu đặt trạm xe buýt thì người dân sẽ phản đối vì che mất mặt tiền, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. Còn ở những vị trí trước các cơ quan, công sở Nhà nước thì lại rơi vào tình cảnh là ô-tô đậu đỗ bịt kín, xe buýt muốn dừng đón, trả khách phải ra giữa đường, dễ gây tai nạn giao thông.

Trong khi đó, lực lượng Thanh  tra giao thông thành phố cho rằng, việc xử lý lỗi đậu, đỗ ô-tô không đúng nơi quy định rất khó khăn, vì tình trạng này diễn ra rất phổ biến trên các tuyến phố hiện nay. Rất nhiều trường hợp chủ xe đậu, đỗ ô-tô xong rồi đi đâu không ai biết, nên không thể lập biên bản xử phạt. Bên cạnh đó là tình trạng nhiều người dân có ô-tô nhưng không có nơi để, hoặc có nhưng phải dùng vào việc kinh doanh nên họ đã biến lòng đường thành nơi để xe.

Việc ngành giao thông thành phố, tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp vận tải xe buýt quyết tâm xây dựng tuyến xe buýt mẫu Đà Nẵng-Hội An là rất đáng hoan nghênh và cần nhân rộng ở tất cả các tuyến xe buýt còn lại. Tuy nhiên, nếu những hạn chế trên không xử lý triệt để trong thời gian đến thì nguy cơ xe buýt chạy như... xe ôm rất có khả năng sẽ quay trở lại. Đơn giản là xe buýt không thể thường xuyên hoạt động trong tình trạng “đói khách”.

Bài và ảnh: Thanh Vân

.