Kinh tế

Xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ: Còn lắm gian nan

07:27, 13/07/2015 (GMT+7)

Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) được xem là giải pháp tối ưu giúp doanh nghiệp (DN) tự bảo vệ mình trước nạn hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường hiện nay.

Công tác quản lý chồng chéo khiến việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ còn gian nan.Ảnh: HOÀNG HÂN
Công tác quản lý chồng chéo khiến việc xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ còn gian nan.Ảnh: HOÀNG HÂN

Thế nhưng, nhiều DN ở Đà Nẵng vẫn còn thiếu thông tin nên không mặn mà đăng ký quyền SHTT, cũng như bất hợp tác với cơ quan chức năng khi có hàng giả, hàng nhái thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, mức xử phạt còn nhẹ, hiện tượng chồng chéo trong công tác quản lý càng khiến “cuộc chiến” chống vi phạm SHTT vẫn còn lắm gian nan.

Bài1:  Ma trận hàng giả, hàng nhái

Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố, trong 95 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái mà Chi cục xử lý từ đầu năm đến nay, đa phần là các vụ việc xâm phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT). Đây chỉ là phần nổi trong “tảng băng chìm” nhưng phần nào cho thấy tình trạng “ăn cắp” bản quyền nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, công nghệ, tên thương mại… đang diễn ra tràn lan trên địa bàn Đà Nẵng.

Từ chợ đến siêu thị

Dạo một vòng tại các cửa hàng chuyên bán túi xách, quần áo, mỹ phẩm trên các phố chính như Lê Duẩn, Phan Châu Trinh, Ông Ích Khiêm… chúng tôi “chóng mặt” trước số lượng hàng nhái “khủng” được bày bán tại đây.

Vào một cửa hàng chuyên bán túi xách trên đường Lê Duẩn, các loại túi xách bán tại cửa hàng này đều in biểu tượng các thương hiệu nổi tiếng như Prada, Chanel, Hermes, Gucci… Những chiếc túi xách này nếu hàng chính hãng có giá tới hàng trăm USD, trong khi tại cửa hàng này thì giá chỉ từ 250.000 đồng đến 3 triệu đồng/cái tùy loại.

Một nhân viên cửa hàng cho biết, đây đều là hàng xuất xứ từ Quảng Châu (Trung Quốc), giả mạo nhãn hiệu của nước ngoài để “dễ bán”?! “Rất ít khách hàng khi đến mua hỏi về bảo hành sản phẩm vì họ thấy hàng đẹp, giá phải chăng nên có hỏng thì họ cũng bỏ tiền mua cái khác với mẫu mã lạ mắt hơn”, nhân viên này nói.

Chúng tôi đến các chợ truyền thống để tìm mua các mặt hàng áo quần, giày dép, mỹ phẩm. Ghé vào một quầy hàng bán mỹ phẩm mua một thỏi son Lipice Sheer Color, chị chủ quán không quên hỏi: “Em mua loại tốt hay loại thường? Loại tốt thì có giá 79.000 đồng/thỏi, loại thường chỉ có 20.000 đồng/thỏi thôi”. Chị chủ quán còn tiết lộ, thỏi son 20.000 đồng là làm nhái nhãn hiệu Lipice Sheer Color, bôi vào không bóng bằng màu son thật nhưng lại được nhiều người hỏi mua hơn. “Son 20.000 đồng dùng cũng được, mấy đứa công nhân hay mua lắm. Tiền nào của nấy thôi em ơi”, chị bán hàng nói.

Trong các siêu thị, không ít sản phẩm bày bán vẫn bị làm nhái đến mức người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng thật, hàng giả. Vừa qua, Chi cục QLTT đã thu giữ 81 sản phẩm đồ nhà bếp như máy rửa chén, máy hút mùi, lò vi sóng… đang được bày bán tại một siêu thị trên địa bàn thành phố bị làm giả.

Tất cả các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại bị Công ty TNHH Romal có trụ sở tại Hà Nội “phù phép” thành sản phẩm của Đức và Ý. Chủ số hàng trên thừa nhận nhãn mác giả sản phẩm của các nước châu Âu được đặt mua ngay tại Quảng Đông (Trung Quốc) nhằm thay đổi xuất xứ, đánh lừa người tiêu dùng.

Hàng giả, hàng nhái nhãn mác tràn lan tại các chợ truyền thống. Ảnh: Thanh Tình
Hàng giả, hàng nhái nhãn mác tràn lan tại các chợ truyền thống. Ảnh: Thanh Tình

Người tiêu dùng lãnh đủ

Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường đang khiến người tiêu dùng lo lắng, không ít trường hợp phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”. Anh N.Q.B (quận Sơn Trà) kể, sau khi thay nhớt hiệu Castrol tại một tiệm sửa xe trên đường Ngô Quyền nhưng chạy chưa đến 1.000km thấy xe ì máy, có tiếng kêu bất thường mới biết mình mua phải nhớt “dỏm”.

Chị L.A, dù đã cố gắng tìm những hàng đồ chơi chất lượng trên các trang bán hàng trên mạng nhưng cũng có lúc do ham hàng “mẫu mã đẹp” đã chọn nhầm hàng giả. Kết quả là đồ chưa chơi được bao lâu, xung quanh miệng con chị đã có dấu hiệu sưng đỏ. Theo tiết lộ của một vài chủ cửa hàng, người tiêu dùng ưa chuộng hàng gì thì có hàng nấy.

Chị T., chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên đường Ông Ích Khiêm cho biết, nhãn mác chẳng qua là để tạo niềm tin cho khách hàng, chớ thật ra thấy hàng đẹp, rẻ thì khách hàng mua thôi. Trong khi đó, theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Đà Nẵng, nhiều trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng nhái, hàng giả không biết tìm đến địa chỉ nào để đòi lại sự công bằng hoặc nếu có khởi kiện ra tòa lại sợ mất thời gian, phiền phức và sợ tiền án phí nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Theo Chi cục QLTT, trong nhiều vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái thì chiếm đến 90-95% là hàng vi phạm SHTT. Các chuyên gia kinh tế cho hay, việc xâm phạm SHTT đang gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp bị thất thu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhiều DN nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Đà Nẵng cũng rất khó phát triển thương hiệu trong một môi trường mà hiện tượng hàng giả và gian lận thương mại còn diễn ra khá phổ biến như hiện nay. 

Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố, tất cả các thương hiệu nổi tiếng đều có tem chống hàng giả, thế nhưng không ít trường hợp tem chống giả cũng bị làm giả. Các cơ quan quản lý Nhà nước còn khó “bắt tận tay” huống chi người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trước “ma trận” hàng nhái, hàng giả đang “làm mưa làm gió” như hiện nay.

(Còn nữa)

Hoàng Hân - Thanh Tình

.