Kinh tế

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm: Chưa có đột phá

07:48, 30/07/2015 (GMT+7)

Trong 6 tháng đầu năm 2015, hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng nhìn chung tương đối ổn định và duy trì mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của Đà Nẵng vẫn chưa có sự đột phá và còn đáng lo trong những tháng cuối năm.

Doanh nghiệp Đà Nẵng cần giảm phụ thuộc để có mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững và ổn định hơn. (Ảnh mang tính minh họa)
Doanh nghiệp Đà Nẵng cần giảm phụ thuộc để có mức tăng trưởng xuất khẩu bền vững và ổn định hơn. (Ảnh mang tính minh họa)

Thủy sản “hụt hơi”

Theo Sở Công thương thành phố, 6 tháng đầu năm 2015, hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng vẫn đạt kết quả tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 535 triệu USD, tăng khoảng 10,7% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng chỉ đạt 41,3% kế hoạch; trong đó, cao nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 275 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng trưởng khá ở hầu hết các mặt hàng chủ lực như dệt may, cao su thành phẩm, thiết bị điện và sản phẩm điện tử… “Xuất khẩu 6 tháng đầu năm của các DN Đà Nẵng vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng đột phá, nhất là mặt hàng nông sản và thủy sản.

Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của các DN trên địa bàn thành phố vẫn phụ thuộc vào tăng trưởng của DN FDI”, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết. Vì vậy, ông Lĩnh bày tỏ sự lo ngại khi hệ thống DN địa phương chưa đủ sức lớn mạnh để đưa xuất khẩu tăng trưởng một cách tự nhiên và bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố cho rằng, những tháng đầu năm, nhiều DN trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do tác động từ USD tăng giá, giá xăng và giá điện tăng cùng lúc.

rong khi đó, cơ cấu xuất khẩu còn phụ thuộc phần lớn vào một số mặt hàng của ngành thủy sản và dệt may với nhiều rủi ro như việc hợp tác với các vùng nguyên liệu để phục vụ cho chế biến thủy sản chưa ổn định, chi phí đầu vào cho ngành dệt may ngày càng tăng; cùng lúc đó hàng rào thương mại và kỹ thuật vào thị trường EU, Mỹ… ngày càng gây áp lực lớn cho DN.

Thống kê từ Sở Công thương cho thấy, trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì mặt hàng thủy sản lại giảm sút khi chỉ ước đạt 69 triệu USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là mặt hàng tôm do phải chịu áp lực từ thuế chống bán phá giá tôm của Bộ Thương mại Mỹ và nhu cầu tại các thị trường truyền thống như EU, Nhật sụt giảm. Mặt khác, xuất khẩu tôm còn phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Ấn Độ do 2 nước này có sản lượng tôm phục hồi khá mạnh.

Nâng cao chiến lược kinh doanh

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, xuất khẩu trên địa bàn thành phố trong thời gian tới hết sức đáng lo vì phải chật vật “chạy đua” để đạt kế hoạch đề ra cho cả năm. Ngoài ra, việc Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại cũng được cho là sẽ tạo ra nhiều áp lực cho DN.

Dù ngày càng nhiều hiệp định thương mại có hiệu lực, song nhiều DN địa phương vẫn chưa chuẩn bị đón đầu hội nhập. “Chúng tôi rất muốn đưa sản phẩm của DN mình quảng bá ở thị trường nước ngoài và tin chắc rằng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đối tác.

Thế nhưng lâu nay chúng tôi vẫn chỉ nghĩ đến chứ chưa có phương hướng cũng như đường đi nước bước về xuất khẩu”, đại diện Công ty Gốm sứ Bosani chia sẻ. Mong muốn của DN là thành phố cần hỗ trợ thêm thông tin về hội nhập để DN địa phương kết nối cung - cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đồng thời giúp các DN tìm hiểu chính xác và kịp thời nhu cầu của thị trường xuất khẩu. “DN cần nâng cao chiến lược kinh doanh trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện nay, đồng thời cần phải tham gia các khóa đào tạo, lớp tập huấn để có cái nhìn mới, chiến lược mới phù hợp hơn. Nhiều lần sở tổ chức hội thảo, tập huấn nhưng chỉ có số ít DN tham gia”, Phó Giám đốc Sở Công thương Lữ Bằng cho hay.

Mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thành phố trong năm 2015 là 1.787 triệu USD, tăng 13,5% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1.295 triệu USD, tăng 12,1%; xuất khẩu dịch vụ đạt 492 triệu USD, tăng 17,1%.

Để thực hiện được mục tiêu đó, theo lãnh đạo Sở Công thương, thành phố sẽ có hướng hỗ trợ vốn cho DN đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, hỗ trợ DN tìm hiểu và tiếp cận với các nhà nhập khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ, Nhật, EU... Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài, từng bước đổi mới phương thức xúc tiến thương mại giúp các DN mở rộng thị trường mới và gia tăng thị phần tại những thị trường chính của DN.

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, ngành sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn tài trợ, thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm góp phần giúp cộng đồng DN chủ động nắm bắt các cơ hội, hạn chế các thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.