.

Chậm giải ngân vốn vay Nghị định 67

.

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã thực hiện được gần 1 năm, song, đến nay, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn Đà Nẵng chỉ mới giải ngân cho 3 khách hàng với tổng dư nợ 10,12 tỷ đồng.

Tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 đang được đóng mới tại Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech.
Tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 đang được đóng mới tại Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech.

Khó từ nhiều phía

Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng, hiện nay các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tiếp nhận 10 hồ sơ vay vốn đóng tàu. Trong đó có 9 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ gỗ với công suất tàu trên 800CV. Ba tàu được giải ngân một phần là của các ông Lê Văn Nhắn, Nguyễn Sương và Trần Văn Mười do 3 ngân hàng là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Chi nhánh Đà Nẵng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng, Ngân hàng Ngoại thương-Chi nhánh Đà Nẵng thực hiện; 7 tàu còn lại ngân hàng đang xử lý.

Theo tìm hiểu, khi Nghị định 67 mới ban hành đã có hơn 180 khách hàng đăng ký vay vốn. Tuy nhiên, sau khi Nghị định 67 chính thức có hiệu lực với những điều khoản đi kèm chặt chẽ thì sàng lọc lại chỉ có 13 hồ sơ đủ điều kiện vay vốn được chuyển qua ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, khi thực hiện Nghị định 67, hầu hết vướng ở chỗ là ngư dân muốn sử dụng lại máy cũ trong khi quy định cho vay đóng tàu mới là phải mua máy mới. Ngoài ra, chi phí thiết kế mẫu tàu cũng cao, đội giá đóng tàu khiến ngư dân cũng cân nhắc. Hơn nữa, trình tự vay ngân hàng rất nhiều thủ tục, giấy tờ trong khi ngư dân không phải ai cũng biết hết các thủ tục đó khiến họ có tâm lý ngại đi vay vốn.

Trong lúc đó, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, nguyên nhân khiến việc giải ngân chậm là do chi phí để đóng mới một con tàu rất cao nên nhiều ngư dân không đủ sức vay vốn. Hơn nữa, các NHTM thận trọng với các thủ tục vay vốn cũng một phần khiến công tác này trở nên khó khăn.

Cần những bước tiến nhanh và vững chắc

Ông Nguyễn Cao Phong, Phó Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương-Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, do vốn cho vay theo quy định Nghị định 67 là của các NHTM, Nhà nước chỉ cấp bù, vì vậy, buộc ngân hàng phải tính toán kỹ lưỡng để làm sao vừa có thể cho ngư dân vay đóng tàu hiệu quả nhưng lại không xảy ra tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn.

Mặc dù thời gian cho vay đóng mới tàu cá là 11 năm với lãi suất 7%/năm, năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi, từ năm thứ 2 trở đi chủ tàu trả lãi suất 1%/năm, Nhà nước cấp bù 6%/năm (đối với tàu vỏ sắt). Tuy nhiên, do giá trị tàu đóng mới quá cao, có khi lên đến 17-20 tỷ đồng/tàu nên ngư dân vẫn còn e ngại. Ông Hồ Văn Tý, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech (đơn vị đang nhận đóng 3 tàu theo Nghị định 67) cho biết, ngoài vấn đề chi phí cao, một điểm vướng nữa là khi ngư dân đã quyết định vay vốn và triển khai đóng tàu lại vướng ở công tác hoàn thuế.

Vì vậy, các cấp, các ngành cần nhanh chóng hướng dẫn cụ thể cho ngư dân và cơ sở đóng tàu các vấn đề liên quan đến công tác thuế để ngư dân mạnh dạn hơn trong việc vay vốn. Đồng thời, khi thẩm định các khách hàng được vay vốn, phía ngân hàng cũng nên giảm bớt thủ tục để ngư dân dễ dàng tiếp cận và phấn khởi hơn với các chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Thu Hồng, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam-Chi nhánh Đà Nẵng cho biết thêm, ngư dân miền Trung vốn quen với tàu gỗ, giờ đóng mới tàu vỏ sắt với giá trị lớn, họ rất lo ngại không biết sẽ vận hành như thế nào cho có hiệu quả. Vì vậy, nên chăng thành phố mở những lớp đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ vận hành tàu sắt cho ngư dân để họ mạnh dạn hơn trong việc vay vốn đóng tàu.

Việc vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 đã hỗ trợ ngư dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đóng mới tàu cá, vươn khơi bám biển phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, để Nghị định 67 thật sự đi vào cuộc sống và phát huy hơn nữa hiệu quả, các cấp, các ngành cần tuyên truyền rộng rãi hơn về Nghị định 67 cho bà con ngư dân nắm bắt, cân nhắc và có quyết định phù hợp với khả năng của mình.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.