.

Mờ nhạt thương hiệu

.

Xây dựng và phát triển thương hiệu là con đường tất yếu mà doanh nghiệp (DN) cần hướng tới để nâng cao và làm bền vững sức cạnh tranh cho sản phẩm của DN mình, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Thế nhưng, thực tế cho thấy, sự quan tâm và đầu tư xây dựng thương hiệu của DN trên địa bàn thành phố vẫn còn khá mờ nhạt.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ.

Doanh nghiệp còn mù mờ

Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho DN không phải là vấn đề mới, thế nhưng nhiều DN trên địa bàn thành phố vẫn còn khá mù mờ. Một DN kinh doanh ngành luật lấy tên thương hiệu trong một thời gian dài thế nhưng khi đăng ký sở hữu trí tuệ lại không được vì trùng tên với một DN nước ngoài. Hay một DN không đăng ký bảo hộ thương hiệu bị công ty nước ngoài lấy mất tên, suốt nhiều năm đi kiện vẫn không lấy lại được thương hiệu.

Đó là 2 điển hình trong số rất nhiều “tai nạn” trên thị trường quốc tế mà DN mắc phải liên quan đến vấn đề bảo vệ thương hiệu. Theo ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, hiện nay, bên cạnh một số DN lớn đã xây dựng được chỗ đứng và thương hiệu vững mạnh thì đa phần các DN nhỏ và vừa ở Đà Nẵng đều chưa quan tâm đầu tư xây dựng chiến lược thương hiệu cho mình.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự hạn chế về năng lực tài chính, nhân lực, lối tư duy và tầm nhìn còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, đa phần DN cũng chưa có được sự định hướng và sự hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hỗ trợ DN. “Một số DN đã làm thương hiệu nhưng làm không đúng, không đủ và không đều.

Vì phần lớn các DN Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ và đúng mức về vấn đề xây dựng thương hiệu một cách lâu dài cũng như phát triển thương hiệu bền vững trong môi trường cạnh tranh và kinh doanh toàn cầu. Họ quên rằng, xây dựng và phát triển thương hiệu phải là chiến lược dài hơi”, ông Lữ Bằng nói.

Theo Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP), chỉ có từ 10-15% DN có bộ phận chuyên trách về quảng bá thương hiệu, còn lại hầu như DN chưa có thói quen sử dụng dịch vụ tư vấn kinh doanh, trong đó có tư vấn xây dựng về thương hiệu. “Khi Việt Nam ngày càng hội nhập, nhiều loại thuế về mức 0% sẽ tạo cơ hội rất lớn cho DN trong nước làm hàng xuất khẩu. Thế nhưng các DN trong nước hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào cho thị trường. Nhiều DN trong nước làm hàng cho DN nước ngoài rồi lại nhập ngược vào Việt Nam với tư cách hàng nhập khẩu. Thực tế đó cho thấy, không ít sản phẩm của Việt Nam được chấp nhận trên thị trường quốc tế nhưng lại mang thương hiệu của nước ngoài”, TS Lê Thị Thu Hà, chuyên gia Dự án EU-MUTRAP cho hay.

Không đơn thuần là cái tên

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN hiện nay mới chỉ quan tâm đến sản xuất kinh doanh, tìm cái tên để đặt cho DN mình mà chưa chú trọng đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh với các thương hiệu mạnh của nước ngoài. “Thương hiệu của sản phẩm không đơn thuần là nhãn hiệu, là tên gọi, là chất lượng sản phẩm mà là cuộc chiến trong tâm và trí khách hàng.

Một thương hiệu mạnh không phải là cái gì đó tốt nhất mà phải là cái tên đầu tiên khách hàng nghĩ đến khi có nhu cầu mua một sản phẩm. Tuy nhiên để khách hàng trung thành với một thương hiệu thì vô cùng khó vì họ có quá nhiều lựa chọn cũng như sự khác biệt của các thương hiệu trong mắt người tiêu dùng ngày càng giảm”, TS Hà nhấn mạnh.

Ông Hồ Văn Vân, Giám đốc Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích cho biết: “Là thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết đến, Thạch Bích đã xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị chất lượng, đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong nhằm tăng thêm uy tín, niềm tự hào của người Việt. Đến nay, các sản phẩm của Thạch Bích đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Nam Mỹ...”.

Theo khảo sát của EU-MUTRAP, hiện cả nước chỉ có khoảng 63 DN đạt giải thưởng “Thương hiệu quốc gia”; riêng ở Đà Nẵng, chỉ có sản phẩm của Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ đạt giải thưởng này.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Đỗ Kim Lang cho rằng, trong quá trình xây dựng thương hiệu cần khảo sát và đánh giá đúng vai trò truyền thông thương hiệu thông qua các kênh truyền thông vì đây là mảnh đất màu mỡ để các DN khai thác hiệu quả. Dù quá trình hội nhập đang đến gần nhưng xem ra con đường để các DN Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng xây dựng thương hiệu bền vững cho DN mình còn rất xa…

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.