Kinh tế
Bão đi qua, nợ nần ở lại
Bão số 3 chỉ ảnh hưởng nhẹ, song đã có 4 tàu cá ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bị chìm. Dù những con tàu ấy giá trị không lớn, nhưng với những ngư dân đánh cá gần bờ, đây là tài sản không nhỏ.
Cán bộ phường Thọ Quang thăm hỏi gia đình anh Đinh Văn Hội. |
Sáng 16-9, anh Đinh Văn Hội (trú tổ 18, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà - chủ tàu ĐNa 31695) đã nhờ 10 phương tiện của địa phương đi tìm vị trí tàu chìm để trục vớt. Tàu ĐNa 31695 bị chìm tại mũi Nghê vào sáng 14-9 khi đang di chuyển vào Âu thuyền Thọ Quang để tránh bão. Chị Văn Thị Thu Trang (vợ anh Hội) cho biết, vào sáng sớm 14-9, khi anh Hội đưa tàu neo đậu từ công trình về tránh bão thì bị sóng đánh chìm.
Anh Hội làm nghề biển hơn 20 năm nay. Năm 2010, gia đình anh vay mượn mua con tàu có công suất 39CV để làm nghề giã cào, mành tôm, mành quay. Từ đầu năm 2015 đến nay, giá dầu giảm, mỗi đêm đi biển cho thu nhập 4-5 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Tuy nhiên, giờ đây, toàn bộ tài sản gồm tàu, ngư lưới cụ, thiết bị kỹ thuật phục vụ khai thác hải sản tổng trị giá 500 triệu đồng đang chìm dưới biển.
“Nếu trục vớt tàu lên mà thân tàu còn nguyên, chúng tôi cũng khắc phục mất trên 200 triệu đồng, chưa kể các chi phí trục vớt, nhờ anh em bạn bè đi dò tìm. Trong khi đó, bên thợ lặn đòi giá gần 100 triệu đồng”, chị Trang nói. Chị Trang cho biết, gia đình đang nợ nần gần 200 triệu đồng. Điều chị lo lắng là sợ tìm không ra tàu, hoặc tàu hư hỏng quá nặng thì phải tiếp tục vay vốn làm lại từ đầu, vậy là nợ chồng chất nợ.
Cùng cảnh ngộ như anh Hội là ông Mãi Bảy (tổ 6D, phường Thọ Quang). Ông kể, khi tàu rời bãi Ngang chừng 7 hải lý về Âu thuyền Thọ Quang thì bị sóng nhấn chìm, ông nhảy xuống biển cố gắng vượt sóng dữ bơi vào bờ. Ngày 15-9, ông phát hiện tàu bị sóng đánh tấp vào ghềnh đá, hư hỏng hoàn toàn.
Ông cho biết, tổng thiệt hại khoảng 140 triệu đồng. Sáng 16-9, nhặt nhạnh được mấy cuộn chì còn sót lại đêm về nhà ngồi gỡ từng miếng, ông buồn rười rượi: “Làm biển mấy mươi năm, nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn qua ngày và cố gắng nuôi con ăn học. Giờ đây tàu hư hỏng, tài sản hơn trăm triệu đã bị sóng biển nuốt chửng, số tiền 20 triệu đồng vay của Nhà nước vẫn còn nợ”.
Không vốn liếng, thời gian đến, ông Bảy không biết làm gì để có lại con tàu mới. “Cả đời theo nghiệp biển và chừ cũng lớn tuổi rồi, không thể chuyển đổi ngành nghề khác được nữa. Dù sao tôi cũng cố để vay mượn mua lại tàu hoặc đóng mới tàu. Nhưng theo quy định mới thì phải đóng tàu trên 90CV, vốn lớn quá. Trước mắt, vì miếng cơm manh áo, đành tính đường đi “bạn” với các tàu khác để kiếm sống qua ngày rồi tính tiếp”, ông Bảy nói.
Tàu ông Lê Văn Việt (tổ 23, phường Thọ Quang) cũng bị chìm tại bãi Ngang, thiệt hại trên 100 triệu đồng; ghe của ông Trần Văn Thêm neo đậu trên sông Hàn cũng bị chìm. Sáng 16-9, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ phường Thọ Quang cho biết, UBND phường đang nắm tình hình thiệt hại của ngư dân, qua đó tham mưu, đề xuất lãnh đạo địa phương có những hỗ trợ đột xuất cho các gia đình khó khăn; đồng thời, hướng dẫn người dân làm các thủ tục để hỗ trợ, nâng cấp hoặc đóng mới tàu làm lại nghề…
Bão số 3 gây thiệt hại gần 100 ha lúa, hoa màu Ngày 16-9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố có báo cáo chính thức, thống kê tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với thành phố Đà Nẵng. Theo đó, bão đã làm 1 người bị thương nhẹ; 6 tàu bị chìm (gồm 3 tàu cá, 3 tàu du lịch). Tuyến ĐT 601 bị sạt lở đường công vụ tránh cầu Bưu điện (Km15+445), một số vị trí ta-luy dương trên tuyến; sụt lún vỉa hè và ta-luy một số vị trí tại đường Lê Đức Thọ, đường Võ Chí Công, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường vào mỏ đá Hòa Nhơn; 589 cây bị nghiêng và ngã đổ (288 cây bị nghiêng, 301 cây ngã đổ); 7 trụ thép chiếu sáng bị gãy đổ hỏng đèn, nghiêng, hư hỏng một số loại đèn và phụ kiện; trụ sở một số cơ quan, đơn vị bị hư hỏng nhẹ. Đặc biệt, bão đã gây ra mưa lớn, làm hư hại lúa và hoa màu ở huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu. Cụ thể: 90,6 ha lúa chưa thu hoạch bị ngập; các loại rau, màu bị ngập, thiệt hại 9,68 ha; 2,92 ha nuôi trồng thủy sản bị trôi; các kênh mương bị bồi lấp 330 m3 ; sạt lở 50 m3. Ngoài ra, đã xảy ra 52 lần sự cố điện lực, trong đó có 17 lần sự cố liên quan đến hành lang an toàn lưới điện; hư hỏng một số đoạn của đường dây trung hạ áp, trạm biến áp và một số thiết bị điện, mất sản lượng không cấp được do sự cố là 171.365 kWh, công suất mất điện là 50 MW… UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện khắc phục hậu quả bão số 3. Trong đó, đề nghị Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng xử lý ngay số cây xanh ngã đổ, ưu tiên các tuyến giao thông quan trọng và phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 17-9. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố khẩn trương hoàn thành việc thu dọn vệ sinh môi trường, phấn đấu hoàn thành trước 14 giờ ngày 17-9. Sở Giao thông vận tải kiểm tra và xử lý nhanh các tuyến đường bị sạt lở nhằm đảm bảo giao thông hoạt động trở lại bình thường. |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ