Kinh tế

Xử lý nước thải KCN Hòa Khánh: Cần giải pháp căn cơ

07:29, 17/09/2015 (GMT+7)

Tình trạng xả trộm nước thải, nước thải rò rỉ tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh thời gian qua gây ô nhiễm ở một số khu dân cư lân cận, gây bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Đầu tư nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp cần phải có tầm nhìn, tránh quá tải trong thời gian đến.
Đầu tư nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp cần phải có tầm nhìn, tránh quá tải trong thời gian đến.

Hạ tầng xuống cấp

Công ty Phát triển và khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (Daizico) cho biết, đến nay, 140/151 dự án đang hoạt động tại KCN Hòa Khánh đã thực hiện đấu nối vào hệ thống thoát nước thải của KCN để đưa về Trạm Xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh. Việc xử lý nước thải tại trạm do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) – Chi nhánh miền Trung quản lý và vận hành. Nước thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp hầu hết được xử lý sơ bộ và đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải đưa về xử lý tại Trạm Xử lý nước thải tập trung.

Theo Daizico, hệ thống thu gom nước thải KCN Hòa Khánh có tổng chiều dài 21.264m. Trong đó, tuyến sử dụng ống HDPE với chiều dài 13.843m gồm 2 chủng loại ống nhựa xoắn 1 lớp dài 11.843m được nối bằng măng-sông và ống nhựa HDPE được nối bằng phương pháp hàn nhiệt dài 2.735m; tuyến sử dụng ống bê-tông ly tâm dài 7.421m. Đối với tuyến đường thu gom nước thải số 4 được đầu tư năm 2003 (đoạn từ doanh nghiệp Mabuchi Motor đến Trạm Xử lý nước thải tập trung) làm bằng bê-tông ly tâm, hố ga xây bằng gạch thẻ chiều dài 2.446m, tổng kinh phí đầu tư 2 tỷ đồng.

Trước tình hình nước xả thải hết sức phức tạp, năm 2012, UBND thành phố đã thuê Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh nạo vét và kiểm tra hư hỏng đường ống thu gom đường số 4 bằng kỹ thuật camera ghi hình; qua đó cho thấy có những khiếm khuyết trong lòng tuyến cống này.

Những khiếm khuyết đó là nhiều đoạn bị võng; các ống cống bị xô lệch không thẳng hàng; các mối nối cống bị hở; cống bị xói mòn; thân cống xuất hiện nhiều vết nứt; lòng cống chứa nhiều cát, đá, sỏi, rác thải kích thước lớn; đáy, vách tường hầm ga bị sạt bể, bong tróc; cát theo nước ngầm từ bên ngoài xâm nhập vào cống từ các mối nối cống bị hở và đáy hầm ga.

Bên cạnh đó, tuyến ống bê-tông ly tâm đầu tư năm 2002; hố ga xây bằng gạch thẻ trên vỉa hè các tuyến đường số 2, 3, 7, 8, 9 và 10 với chiều dài 5.444,75m và 137 hố ga, phần lớn đã bị hư hỏng, bục vỡ. Do vậy, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã lợi dụng để xả thải. Điển hình, Sở Tài nguyên và Môi trường vừa lấy mẫu nước thải 9 doanh nghiệp, kết quả kiểm tra phát hiện 3 doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn nhiều lần nên đã đề xuất Chủ tịch UBND thành phố tiến hành xử phạt; 6 doanh nghiệp còn lại đã bị Chủ tịch UBND thành phố nhắc nhở.

Giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng xả thải

Việc xả thải chưa qua xử lý tại KCN Hòa Khánh thời gian qua đã làm ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người dân xung quanh khu vực này, đặc biệt tại thôn Trung Sơn (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Vấn đề này tồn tại thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, xử lý.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố cho rằng, để giải quyết căn cơ vấn đề này, trước mắt cần phải thống kê lượng xả thải của các doanh nghiệp những năm qua để so sánh lượng xả thải hằng năm, biết được sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời xem kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp trong tương lai để biết được lượng nước xả thải ra bao nhiêu, từ đó tổng hợp lượng xả thải toàn KCN để tính toán quy mô đầu tư.

“Đầu tư lần này phải tính toán đến tương lai, phải có tầm nhìn. Chứ đầu tư mà không nghĩ đến điều này thì 5 năm sau cũng coi chừng quá tải”, ông Mai Mã nói. Cũng theo ông Mã, các doanh nghiệp ở KCN phải chung tay chia sẻ cùng cơ quan quản lý nước thải, không thể lấy ngân sách đầu tư mãi.

Trong khi đó, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan đến vấn đề xả thải KCN Hòa Khánh, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng ý chủ trương đầu tư hệ thống thu gom nước thải và cải tạo, nâng cấp công suất của Trạm Xử lý nước thải tập trung KCN Hòa Khánh; đồng thời cho rằng, trước mắt ưu tiên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh miền Trung đầu tư, nâng cấp một số tuyến nước thải tại KCN Hòa Khánh; kêu gọi các nhà đầu tư có uy tín, năng lực tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, trong trường hợp không tìm ra nhà đầu tư, thành phố phải tập trung ngân sách để xử lý trên tinh thần hiệu quả và thật sự tiết kiệm.

Theo thống kê của Sở TN-MT Đà Nẵng, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố 6 KCN được quy hoạch đã đi vào hoạt động, trong đó cả 6 KCN đều được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, để không ảnh hưởng đến môi trường của thành phố, ngành TN-MT yêu cầu các dự án đầu tư mới vào KCN phải đầu tư hoàn chỉnh các công trình xử lý chất thải theo quy định trước khi đi vào hoạt động chính thức. Bên cạnh những giải pháp quyết liệt trong việc yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, ngành TN-MT cũng dần đạt chỉ tiêu 100% dự án đầu tư mới phải sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

TRỌNG HÙNG

Bài và ảnh: AN NHIÊN

.