.

Cần quảng bá hàng Việt mạnh hơn

.

Mặc dù cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang từng bước được đẩy mạnh, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và doanh nghiệp trong nước; tuy nhiên việc cạnh tranh với hàng ngoại không phải đã giảm. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiêu dùng hàng Việt ngay trên “sân nhà”.

Chương trình “Tự hào hàng Việt” tại siêu thị Co.opMart giúp người dân bày tỏ lòng tự tôn hàng Việt.
Chương trình “Tự hào hàng Việt” tại siêu thị Co.opMart giúp người dân bày tỏ lòng tự tôn hàng Việt.

Lo hàng ngoại nhập… trên mạng

Hiện nay, kênh bán hàng trực tiếp đem lại hiệu quả cho người kinh doanh là trang facebook cá nhân, mạng xã hội zalo. Ở đó, chỉ cần có nguồn hàng từ nước ngoài, người bán sẽ đưa hình ảnh lên và giới thiệu sản phẩm một cách tường tận. Không chỉ chờ khách hàng tới mua, các cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu cũng tranh thủ mạng internet để quảng bá.

Chỉ cần một cái nhấp chuột trên máy vi tính, hàng trăm mặt hàng có xuất xứ từ các quốc gia trên thế giới sẽ nhanh chóng tới tay khách hàng vài giờ hoặc vài ngày. Sự tiện lợi của hình thức mua bán qua mạng đã vô tình đẩy người tiêu dùng xích gần hơn với hàng ngoại nhập.

Chị Thanh Hiền, một giáo viên THCS nhận xét: “Thời gian gần đây, cứ mở facebook ra là tràn ngập những hội, nhóm bán hàng trên mạng. Sinh viên bán, công nhân bán, công chức Nhà nước cũng bán với đủ loại hàng tây, tàu... Dù muốn hay không thì hiệu ứng bán hàng trên mạng cũng gây được sự quan tâm, chú ý của không ít người tiêu dùng. Đơn giản vì chúng tiện lợi, không phải mất công đi mua mà vẫn được tư vấn kỹ lưỡng”.

Kênh bán hàng trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng ở ngành hàng điện lạnh, điện máy, hàng kỹ thuật số, các chương trình khuyến mãi rầm rộ cũng gây ra sức ép lớn đối với hàng trong nước. Các chương trình này luôn thu hút người dân bởi các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh có khả năng sử dụng nguồn  tiền lớn nhằm giảm giá hàng ngoại. Khảo sát cho thấy, hiện nay nhiều mặt hàng nhập khẩu có giá đắt gấp 3-5 lần hàng trong nước, nhưng do tâm lý hàng trong nước chất lượng không bằng và sức quảng cáo hàng ngoại quá mạnh, người dân vẫn cố dốc tiền để mua.  

Hàng Việt đang đứng trước mối lo lớn hơn khi sắp tới Việt Nam ký kết các hiệp định kinh tế với các nước tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa sản phẩm trong và ngoài nước. Việc đổ bộ của hàng hóa nước ngoài sẽ khiến cho hàng Việt chật vật hơn trong cạnh tranh.

Cần đẩy mạnh quảng bá hàng Việt

Chấp nhận hội nhập có nghĩa là mở cửa cho hàng hóa từ các quốc gia trên thế giới vào thị trường nước ta. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi đang tìm cách kéo người dân xích gần hàng nội. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được tuyên truyền sâu rộng ở mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, nhiều địa phương trong cả nước báo cáo có tới 70-85% người dân dùng hàng nội. Riêng tại Đà Nẵng, tỷ lệ tiêu dùng hàng Việt từ 50% (năm 2009) lên hơn 80% (năm 2014) là điều hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, số lượng người tiêu dùng hàng ngoại cũng chưa được xác định, thống kê cụ thể.

Để người dân sử dụng hàng Việt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền hàng Việt. Ông Trần Văn Dư, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết: Ủy ban MTTQ thành phố đã có những hướng dẫn tuyên truyền đối với Mặt trận các cấp, phối hợp phản ánh kịp thời những hành vi làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng.

Qua đó, động viên nhân dân tố giác các hành vi sai phạm để cơ quan chức năng xử lý, vận động tiểu thương các chợ trên địa bàn cam kết không bày bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời phát động phong trào “Mỗi tiểu thương là một đại sứ hàng Việt” nhằm bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước.  

Cùng với việc tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị, theo ông Vũ Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, xu hướng giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những “vũ khí” quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng nhận diện thương hiệu trực tuyến để có thể cạnh tranh trong môi trường kinh doanh mới.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.