Trước tình trạng các tuyến đường lớn có nhiều xe tải hoạt động xuất hiện những vệt hằn lún bánh xe rất nguy hiểm cho người đi đường, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu các đơn vị quản lý, các nhà thầu phải khắc phục ngay trong tháng 7.
Trên thực tế, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố đã được sửa chữa, tuy nhiên từ đây lại xuất hiện một số bất cập khiến người đi đường cảm thấy bất an do mặt đường bị biến dạng.
Việc thảm nhựa trên đường Tôn Đức Thắng tạo thành mặt đường có 2 lớp khiến các phương tiện 2 bánh dễ bị trượt ngã. |
Bất an vì đường “trầy xước” và mấp mô
Sau “tối hậu thư” của Bộ GTVT, các đơn vị chủ quản ở Đà Nẵng đã triển khai xử lý các vệt hằn lún bánh xe trên đường. Đến nay, trên địa bàn thành phố không còn hiện tượng đường mấp mô những vệt hằn lún bánh xe. Mặc dù vậy, cách khắc phục này chỉ phù hợp với ô-tô, còn mô-tô, xe gắn máy hay xe đạp thì gặp nhiều khó khăn.
Trên trục quốc lộ 14B-Cách mạng Tháng Tám-cầu Nguyễn Tri Phương-Võ Chí Công, lâu nay các đơn vị khắc phục vệt hằn bánh xe vẫn làm theo cách bóc tách âm xuống mặt đường khoảng 10-15cm (tùy độ lún của đường) sau đó rải đá cấp phối, lu lèn lại và thảm nhựa đường. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lún bánh xe tái diễn, ở những đoạn đường này đều được phủ lớp nhựa đường cao hơn mặt đường vài centimet đã vô tình tạo nên những “luống cải” trên đường rất nguy hiểm.
Trong khi đó, trên tuyến quốc lộ 1A đoạn từ nút giao thông ngã ba Huế đến Trạm thu phí Hòa Phước, ngoài một số đoạn xảy ra như trên, còn có những đoạn có vệt hằn lún cạn tạo nên những “con sóng” mấp mô có độ cao khoảng 5-7cm được khắc phục bằng việc cho xe chuyên dụng “cắt” đi phần ngọn mấp mô này.
Cách làm này tuy nhanh và tiết kiệm chi phí sửa chữa, nhưng vô tình để lại trên mặt đường vô số vệt rãnh sâu 3-4cm. Đối với các loại phương tiện 4 bánh thì vệt rãnh này không ảnh hưởng nhiều, nhưng với các phương tiện 2 bánh khi chuyển làn rất dễ bị trượt ngã.
Đặc biệt, đoạn tiếp giáp giữa đường Nguyễn Lương Bằng và Tôn Đức Thắng kéo dài đến Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), mặt đường bị xuống cấp nên được xử lý bằng cách thảm lên một lớp nhựa đường dày khoảng 4-6cm, chẳng khác nào những “chiếc bẫy” do phần thảm nhựa mới chỉ phủ rộng 2 làn đường, còn làn trong cùng do không bị vệt hằn lún nên không được thảm nhựa. Chính điều này khiến cho mặt đường nơi đây phân thành 2 bậc với độ chênh 4-6cm; khiến cho không ít người khi chuyển làn từ sát vỉa hè ra làn giữa hoặc ngược lại bị té ngã.
Cần xử lý tận gốc
Mới đây, sau kiểm tra tình hình ở các tuyến đường xuất hiện vệt hằn lún bánh xe trên quốc lộ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã đưa ra 3 nguyên nhân chính khiến đường bị lún: Công tác kiểm soát vật liệu đầu vào chưa được chú trọng, hệ thống thí nghiệm vật liệu chưa đạt yêu cầu; bê-tông nhựa lúc thí nghiệm đạt yêu cầu, nhưng khi thi công chất lượng chưa tương xứng; lúc thi công nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật do Bộ GTVT yêu cầu.
Như vậy có thể thấy tình trạng vệt hằn lún bánh xe, ngoài nguyên nhân xe chở quá tải, thì vấn đề về vật tư và quy trình thi công cũng là nguyên nhân chính. Hầu hết đá thi công các tuyến đường được khai thác từ các mỏ đá granit trong khu vực miền Trung, loại đá này có hạn chế là độ bám dính với nhựa đường không tốt. Trong khi đó, nhựa đường hiện nay phần lớn là nhập từ Trung Quốc nên chất lượng không đảm bảo, vì vậy mặt đường dễ xuất hiện vệt hằn lún bánh xe.
Thực tế, những con đường trong danh sách thường xuyên xuất hiện vệt hằn lún bánh xe trên địa bàn thành phố hầu hết đều qua nhiều lần sửa chữa, nhưng chỉ được thời gian ngắn lại hư hỏng trở lại. Đây là bài toán khó mà ngành GTVT cần sớm tìm ra cách giải quyết triệt để nhằm trả lại những con đường bằng phẳng cho người dân an tâm tham gia giao thông.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn