Tự phát, thiếu liên kết, cơ sở hạ tầng yếu kém… - những căn bệnh của ngành du lịch miền Trung một lần nữa lại được đem ra mổ xẻ tại hội thảo quốc tế “Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia” diễn ra tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận sáng nay (12-9). Nhưng giải quyết căn bệnh này như thế nào thì vẫn đang bàn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ông Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung, nhận định du lịch vùng này thừa tiềm năng nhưng thiếu liên kết để phát triển. “Nói đến du lịch là nói đến ở đâu, ăn cái gì, chơi cái gì, mua cái gì. Nhưng cả bốn "cái" này hiện nay chúng ta phát triển không đồng bộ. Làm sao để có thể bắt du khách tiêu đến đồng tiền cuối cùng trước khi về nước xem ra còn quá khó, khách Việt đến nước khác đều muốn tiêu dùng đến những đồng tiền cuối, còn khách nước ngoài đến nước ta thì ta không lấy được gì trừ tiền ở khách sạn”, ông Lịch nói.
“Xét về địa lý du lịch trên vùng này có 5 cửa ngõ về hàng không gồm Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đà Lạt và TPHCM và trên 5 cửa ngõ này liên kết để tạo ra một không gian du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Lịch nhấn mạnh.
Ông Lịch thừa nhận để liên kết thì hạ tầng giao thông là yếu tố quan trọng nhất, trong khi giao thông vùng này quá yếu kém, lạc hậu. “Hôm qua đón khách từ Sài Gòn về đây (thành phố Phan Thiết – PV) dự hội thảo này cũng mất đến 4 tiếng rưỡi dù đã có đường cao tốc, vậy thì làm sao thu hút khách du lịch từ Sài Gòn đến Bình Thuận thường xuyên với một trục đường bộ mất đến 4 – 5 tiếng và không mấy an toàn như vậy. Tương lai nếu có đường cao tốc nối Sài Gòn – Bình Thuận thì Bình Thuận khỏi làm gì ngành du lịch cũng tự phát triển”, ông Lịch khẳng định như vậy.
Do vậy, ông Lịch đề xuất "nếu nhà nước vùng duyên hải miền Trung xem du lịch là chiến lược phát triển kinh tế thì cần phải nhanh chóng tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển du lịch liên vùng, áp dụng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đối với các hạng mục hạ tầng giao thông liên vùng, thay đổi tư duy từ phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch”.
Theo ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm gần đây lượng khách từ Việt Nam đến Lào, Campuchia tăng mạnh. Năm 2014 Việt Nam là nước có lượng khách đến Campuchia nhiều nhất với hơn 1 triệu lượt khách (tương đương 20% tổng lượng khách quốc tế đến Campuchia) và khách du lịch Việt Nam đến Lào cũng đạt trên 1,1 triệu lượt khách trong năm 2014 (chiếm 27,6% tổng lượng khách quốc tế đến Lào) và đứng thứ hai trong số các nước có khách quốc tế đến Lào sau Thái Lan.
Ở chiều ngược lại, lượng khách du lịch từ Lào đến Việt Nam năm ngoái đạt 140.000 lượt, chiếm 1,7% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam và năm ngoái cũng đã có 400.000 lượt khách Campuchia đến Việt Nam (chiếm 5,1% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam).
“Lượng khách du lịch từ Lào, Campuchia đến Việt Nam còn rất khiêm tốn, do vậy cơ quan du lịch của 3 nước cần liên kết thúc đẩy sự liên kết giữa 3 quốc gia, với các vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên tạo động lực phát triển du lịch liên vùng trên tinh thần ba quốc gia, một điểm đến”, ông Hải nói tại hội thảo.
Nhìn lại lĩnh vực du lịch của vùng duyên hải miền Trung trong những năm gần đây, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết trong gần 4 năm qua vùng này đã tổ chức hơn 11 cuộc hội thảo về phát triển du lịch nhưng chủ yếu là bàn về du lịch liên kết nội vùng, chưa liên kết với Lào, Campuchia và hội thảo lần này đã bàn đến việc hợp tác phát triển du lịch liên vùng, liên kết xuyên quốc gia.
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch liên vùng và liên quốc gia, ông Thiên phân tích cộng đồng kinh tế ASEAN hiện nay đi lại rất tự do và một nghiên mới đây của Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy một đặc trưng trong 10 – 15 năm tới, số người trung lưu khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng lên dữ dội mà giới trung lưu tăng lên thì họ đi du lịch nhiều hơn, tiêu tiền nhiều hơn nên Việt Nam và các nước Lào, Campuchia cần tính đến yếu tố này để liên kết phát triển du lịch liên vùng, tạo sản phẩm du lịch đẳng cấp.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định 7 vùng du lịch trong cả nước; trong đó vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ là những vùng du lịch quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương vùng duyên hải miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam Bộ đều thiếu một tầm nhìn xa, sản phẩm du lịch đặc thù còn đơn điệu và trùng lắp, chỉ tập trung khai thác tài nguyên sẵn có.
Theo Văn Nam (TBKTSG Online)