Sau hơn 2 năm áp dụng quy định thu phí máy rút tiền tự động (ATM), nhiều khó khăn đã đến với người sử dụng thẻ ATM, nhất là đối với công nhân lao động có mức thu nhập thấp.
Nhiều chủ thẻ cho rằng nên bỏ phí từ dịch vụ rút tiền tự động. Trong ảnh: Khách hàng đến rút tiền tại máy ATM trước cổng khu công nghiệp Hòa Khánh. |
“Hoa mắt” với phí ATM
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng (NH) công bố tăng phí ATM, khiến khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ ATM tỏ ra bức xúc, đặc biệt là đối với công nhân có thu nhập thấp. Hiện để duy trì và sử dụng thẻ ATM, mỗi tháng người dùng phải “biếu” NH từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng.
Tại máy ATM trước cổng khu công nghiệp Hòa Khánh, chị Lê Thị Thương, công nhân làm việc tại khu công nghiệp này đắn đo mãi mới quyết định rút 400.000 đồng từ máy ATM. Chị Thương cho hay, đây là lần thứ 8 chị đi rút tiền trong tháng, mỗi lần như thế chị tốn phí 1.100 đồng tại ATM. Đây là rút tiền trong cùng hệ thống ATM của NH phát hành, còn những lúc rút tiền tại ATM ngoài hệ thống thì khoản phí này được “đội” lên đến 3.300 đồng cho một lần giao dịch.
Thấy tôi thắc mắc: “Sao chị không rút hết một lần mà rút lắt nhắt nhiều lần cho mất phí và mất thời gian?”. Chị Thương giải thích: “Do cần phải tính toán chi tiêu trong 1 tháng, hơn nữa cầm tiền về để phòng trọ sợ trộm “cuỗm” mất nên không dám rút nhiều. Tôi chỉ rút tiền để đi chợ đủ trong 5 ngày. Nhưng bình quân 1 tháng cũng phải mất 8-10 lần ra máy ATM rút tiền và nếu tính luôn những lần rút tiền ATM ngoài hệ thống và in hóa đơn giao dịch, NH cũng “nuốt” mất số tiền khoảng 20.000 - 30.000 đồng/tháng”.
Anh Long, bác sĩ làm việc tại Đà Nẵng cho hay: “Theo quy định, lương công chức hiện phải trả qua ATM. Tôi thấy mức thu dịch vụ thẻ ATM quá cao và rất nhiều phí. Lâu nay, mỗi khi có lương, tôi thường rút hết để tiêu dần, chứ nhiều lúc rất cần tiền chạy đi rút lại bị nuốt thẻ, máy hết tiền rồi hàng loạt các chi phí như phí thường niên, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư…”.
Đối với những người sử dụng dịch vụ nhiều, mức phí ATM cũng trở thành một phần gánh nặng tài chính. Anh Lê Hữu Tuấn, kế toán một doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ: “Mỗi ngày tôi thực hiện từ 3-4 lần chuyển khoản qua internet - banking, phí 3.300 đồng cho 1 lần chuyển khoản, vị chi mỗi tháng, tôi bị NH “nuốt” mất cả triệu đồng vào cái phí này”.
Nên bỏ phí ATM?
Hiện mức thu phí thẻ ATM đang được các NH áp dụng mỗi lần giao dịch là 1.100 đồng cho nội mạng và thu 3.300 đồng ngoài mạng. Bên cạnh đó, các NH còn thu thêm phí in hóa đơn một lần là 550 đồng, phí thẻ 5.500 đồng/năm và phí tin nhắn SMS 9.900 đồng/tháng nếu khách hàng có nhu cầu. Trong lúc đó, nếu khách hàng giao dịch trực tiếp tại các quầy giao dịch thì lệ phí rút tiền là 0 đồng.
Ông Võ Minh, Giám đốc NH Nhà nước – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: Việc áp dụng thu phí rút tiền của các NH hiện làm theo đúng quy định của pháp luật, đa số các NH Nhà nước đều áp dụng chính sách này. Ngoài ra, các NH Nhà nước lại liên kết chặt chẽ nên lượng khách hàng sử dụng thẻ ATM của các NH này rất lớn.
Cũng theo ông Minh, đối với các NH liên doanh rất khó cạnh tranh ở thị trường thẻ ATM. Tuy nhiên, một số NH thương mại cổ phần hiện vẫn áp dụng chính sách miễn phí giao dịch, thậm chí chịu phí giao dịch cho khách hàng khi khách rút tiền từ ATM ngoài hệ thống NH của mình. Tuy nhiên, đây là những NH chưa có nhiều chủ doanh nghiệp chọn làm đối tác trả lương qua hệ thống thẻ ATM.
Còn theo các chủ thẻ ATM, máy rút tiền tự động hiện nay chủ yếu là công cụ chính sách của Nhà nước nhằm hạn chế việc dùng tiền mặt, tạo thuận lợi trong quản lý, minh bạch dòng tiền. Với số tiền khách hàng để trong tài khoản chưa rút có thể coi như là nguồn huy động của NH không có lãi suất. Vậy thì tại sao NH lại thu phí sử dụng thẻ ATM như hiện nay. Nên chăng Nhà nước nghiên cứu lại cho phù hợp hoặc bãi bỏ thu phí đối với dịch vụ ATM.
Còn theo các chuyên gia, việc áp dụng thu phí từ 1.000 đồng đến trên 3.000 đồng khi khách hàng thực hiện rút tiền tại máy ATM thì NH đang thu lời một khoản tiền khổng lồ, bởi nhiều NH đều quy định số dư trong tài khoản ít nhất từ 50.000 đồng, nếu quy ra hàng triệu thẻ ATM đang lưu hành hiện nay là con số không nhỏ.
Theo số liệu của NH Nhà nước Việt Nam, hiện có khoảng 50 tổ chức phát hành thẻ với số lượng trên 77 triệu thẻ NH. Có thể thấy, chỉ cần 50% số lượng thẻ này hoạt động với lượng tiền tối thiểu duy trì tài khoản thẻ là 50.000 đồng thì số tiền chủ thẻ để ở NH đã lên hơn 1.900 tỉ đồng.
Trong số các thẻ hoạt động, chỉ cần 1 thẻ có giao dịch rút tiền 1 lần/tháng, phí rút tiền 1.000 - 3.000 đồng/lần, NH đã thu được từ 38,6 tỷ - 115,95 tỷ đồng/tháng, tương đương 463,8 tỷ - 1.391,4 tỷ đồng/năm. Còn nếu tính đầy đủ tất cả các loại phí, con số thu được của hệ thống NH sẽ rất lớn.
Bài và ảnh: Anh Như