Ngày 4-9, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 10 tới sẽ tổng hợp đề xuất để trình biểu giá bán lẻ điện mới.
Công nhân Công ty điện lực Huyện Gio Linh (Quảng Trị) kiểm tra công tơ điện định kì. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN |
Lấy ý kiến người dân
Để thực hiện, Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán các phương án, cải tiến biểu giá bán lẻ điện. Trong tháng 9 này sẽ lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp và nhà khoa học... Tiếp sau đó, Bộ sẽ trình biểu giá bán lẻ điện mới để Thủ tướng quyết định.
Yêu cầu xây dựng biểu giá bán lẻ điện được đưa ra sau khi dư luận rất bức xúc về việc hóa đơn tiền điện tăng cao. Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng biểu giá và cách chia nhiều bậc thang nhỏ đã không còn hợp lý với tình hình hiện tại và trước mắt nên rút còn khoảng 3 bậc để giảm gánh nặng cho người dân.
Trong khi đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nhận định biểu giá hiện có nhiều bậc thang khác nhau theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền là chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng. Giá điện bán ra như hiện nay đã cao hơn giá điện sản xuất, tức là có lãi, nên triết lý càng dùng nhiều càng phải trả nhiều không còn phù hợp.
Hiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được chia làm 6 bậc theo hình thức lũy tiến. Từ số điện thứ 401 trở lên, mỗi số sẽ có giá gần 2.600 đồng, cao hơn 1.100 đồng so với 50 số đầu tiên (chỉ 1.484 đồng/số).
Việc chia nhiều bậc thang lũy tiến từng được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến tiền điện sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 trong các tháng 5 và 6/2015 và khiến dư luận bức xức.
Ngành than, điện kêu khó vì tỷ giá
Ngoài ra, liên quan đến nội dung chênh lệch tỷ giá khiến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn kêu lỗ, ông Đinh Thế Phúc cho hay trong thời gian vừa qua, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá, nới biên độ tỷ giá đã phần nào ảnh hưởng đến doanh nghiệp vay vốn ngoại tệ để đầu tư hay mua nguyên vật liệu.
Khi có biến động tỷ giá, Cục đã yêu cầu các đơn vị phát điện như Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), EVN tính toán ảnh hưởng do chênh lệch tỷ giá và báo cáo lên Bộ. Đối với đề xuất của Vinacomin được tính khoản lỗ vào giá điện, Cục sẽ cân đối khả năng ảnh hưởng đến chi phí bán lẻ, sau đó sẽ thảo luận với Bộ Tài chính để có hướng giải quyết cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, bất cứ điều chỉnh liên quan đến giá điện thuộc thẩm quyền, Bộ sẽ giải quyết; Còn ngoài thẩm quyền quyết định, Bộ sẽ phối hợp với các bộ liên quan như Tài chính, Kế hoạch Đầu tư đề tìm giải pháp, sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban Bộ Công Thương ngày 3/9, đại diện lãnh đạo Vinacomin cho hay, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá đã khiến đơn vị này lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng.
Theo Tin tức