Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa chốt mức tăng lương tối thiểu vùng là 12,4% để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tin vui đối với hàng ngàn công nhân tại Đà Nẵng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít nỗi lo…
Người lao động vừa mừng vừa lo khi lương tăng. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Lương tăng, giá có tăng?
Mấy hôm nay, nghe tin trên truyền hình rằng sẽ được tăng lương trong năm tới, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan (26 tuổi, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), làm việc ở Công ty Matrix (thuộc Khu công nghiệp Hòa Khánh) rất vui.
“Tăng thêm được đồng nào hay đồng đó. Công nhân tụi mình đâu có làm thêm được gì, chỉ trông mong vào thu nhập tại nhà máy. Có thêm được vài trăm ngàn cũng quý”, chị Lan thổ lộ. Thu nhập của hai anh chị trung bình mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng, trừ tiền điện, nước, nhà trọ, còn lại phải ăn uống tằn tiện để gửi về quê nuôi mẹ già và con gái nhỏ 3 tuổi.
Ngay khi biết thông tin lương tối thiểu sẽ tăng vào năm 2016, chị Bùi Thị Thu, công nhân Công ty CP Keyhinge Toys Việt Nam, không giấu được niềm vui. “Nghe nói lương sắp tăng, chị em công nhân ai cũng mừng. Lương hơn 3 triệu đồng/tháng trong lúc giá cả tăng phải chi tiêu dè sẻn. Mong Nhà nước có những biện pháp kiềm chế giá cả chứ các mặt hàng tăng nhanh hơn lương thì công nhân tụi mình càng khổ hơn”, chị Thu lo lắng.
Người lao động tại Đà Nẵng đang hưởng mức lương tối thiểu vùng II, nghĩa là sẽ tăng từ 2,75 triệu đồng/tháng năm 2015 lên 3,1 triệu đồng/tháng trong năm 2016.
Theo cán bộ ngành LĐ-TB&XH Đà Nẵng thì cũng phải đề phòng trường hợp doanh nghiệp đối phó với việc tăng lương bằng cách cắt giảm các khoản phụ cấp như: xăng xe, tiền trượt giá, tiền nhà trọ… để bù vào khoản tăng lương tối thiểu cho người lao động và khi đó dễ xảy ra nghịch lý lương tăng nhưng thu nhập không tăng.
Doanh nghiệp lo
Giám đốc một doanh nghiệp may mặc tại Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) cho biết, lương tối thiểu vùng tăng cũng là áp lực lớn đối với đơn vị trong lúc kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt không chỉ trong nước mà còn với các nước trong khu vực. “Lương tăng đã đành nhưng bảo hiểm cũng tăng, khiến chi phí đội lên quá lớn.
Trong khi đó, lao động ngành may thường biến động nên chúng tôi cũng đã mất một khoản phí đào tạo không nhỏ”, giám đốc doanh nghiệp này cho biết. Thực tế hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu của Nhà nước đưa ra được doanh nghiệp dùng để ghi trên hợp đồng lao động và làm căn cứ đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng - doanh nghiệp FDI, 100% vốn đầu tư của Tập đoàn Foster Nhật Bản chuyên sản xuất linh kiện điện tử hiện có số lượng lao động khá lớn, khoảng hơn 11.000 nhân viên. Theo ông Lê Duy Lương, Giám đốc nhân sự của công ty, sắp đến công ty sẽ có sự điều chỉnh mức lương cũng như mức thu nhập cho người lao động theo hướng tăng.
“Việc điều chỉnh này nằm trong dự tính của đơn vị theo định kỳ và có từ trước chứ không chờ quy định tăng lương. Bởi giá cả mỗi năm mỗi tăng nên tăng thu nhập để bảo đảm đời sống cho người lao động thì họ mới có thể yên tâm làm việc”, ông Lương cho biết.
Ông Hồ Minh Tùng, kế toán trưởng Công ty CP sản xuất - thương mại Hữu Nghị Đà Nẵng, nơi có khoảng hơn 4.000 lao động đang làm việc, tính toán rằng nếu mức tăng như quy định mới thì doanh nghiệp phải tiêu tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ.
PHƯƠNG TRÀ