Kinh tế
Bảo đảm an toàn mới được phục vụ du khách
Do hầu hết được cải hoán từ tàu đánh bắt thủy sản nên hoạt động của các tàu du lịch trên sông Hàn đều trong tình trạng“kiểm tra đến đâu sai phạm đến đó”. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết tàu du lịch trên sông Hàn đã bảo đảm các yêu cầu của các cơ quan chức năng, đặc biệt là các tiêu chí về an toàn giao thông thủy nội địa.
Các tàu du lịch hiện nay đều được trang bị đầy đủ áo phao và thiết bị an toàn đường thủy. |
Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra
Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở GTVT, trước đây, khi Đội liên ngành của thành phố đi kiểm tra công tác an toàn trên các tàu du lịch thì gần như 100% không đạt yêu cầu. Thậm chí, những tiêu chí rất quan trọng như điều khiển tàu du lịch phải có bằng thuyền trưởng, phải có máy trưởng, đặc biệt là phải có đủ áo phao cho tất cả mọi người có mặt trên tàu... thì nhiều chủ tàu vẫn tỏ ra ngơ ngác không biết. Hầu hết khi được kiểm tra chủ tàu đều “vin” vào yếu tố có kinh nghiệm sông nước mấy chục năm. Xác định đây là “lỗ hổng” nguy hiểm nhất, nên từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền và kiểm tra được ngành chức năng chú trọng hơn.
Qua 5 đợt ra quân, Đội liên ngành đã tiếp cận 27 tàu du lịch neo đậu trên sông Hàn, tuyên truyền, phát tờ rơi cho hơn 200 người trực tiếp làm việc trên các tàu du lịch. Chính nhờ những đợt tuyên truyền sát đối tượng nên công tác an toàn trên các tàu đều được cải thiện. Đặc biệt, từng vị trí trên tàu du lịch đều nắm và hiểu được chức năng cũng như nhiệm vụ của mình trong quá trình tàu vận hành để bảo đảm an toàn cao nhất.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt các tàu cũng được Đội thực hiện nghiêm túc, góp phần cải thiện công tác bảo đảm an toàn trên các tàu du lịch. Trong nửa tháng 6-2015, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đội Cảnh sát giao thông đường thủy đã tiến hành kiểm tra đột xuất ban đêm 150 lượt tàu có sức chở từ 28 đến 250 du khách hoạt động trên sông Hàn, phát hiện 7 trường hợp vi phạm an toàn giao thông thủy nội địa, trong đó có 5 phương tiện không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, một trường hợp không có bằng thuyền trưởng và một trường hợp neo đậu đón, trả khách không đúng nơi quy định.
Từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9 vừa qua, qua công tác kiểm tra hằng đêm trên sông Hàn, Đội kiểm tra liên ngành cũng đã phát hiện và xử phạt 8 trường hợp phục vụ khách du lịch nhưng không bảo đảm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Hiệu quả từ công tác an toàn giao thông được bảo đảm
Chia sẻ với chúng tôi về tình hình hoạt động của tàu du lịch trên sông Hàn, một chủ tàu vừa bị Đội kiểm tra liên ngành “tuýt còi” và lập biên bản xử phạt hành chính vì vi phạm quy định an toàn giao thông số tiền 2,5 triệu đồng cho biết: “Ban đầu chúng tôi khá bức xúc vì phải dừng hoạt động trong lúc mùa du lịch cao điểm, tuy nhiên sau đó chúng tôi đã nhận ra vấn đề quan trọng hơn đó là sự an toàn cho chính mình và du khách.
Vì vậy, chúng tôi đã mạnh dạn nâng cấp tàu, trang bị thêm thiết bị an toàn và hợp đồng người có chuyên môn thuyền trưởng về đứng tàu. Nhờ sự thay đổi này mà chúng tôi rất tự tin trong hoạt động, nhất là trong công tác quảng bá thu hút du khách. Nhờ vậy, từ tháng 7-2015 đến nay, gần như đêm nào tàu cũng hoạt động với lượng khách ngày một tăng”.
Ông Lê Văn Chung, người từng phục vụ ở nhiều tàu du lịch trên sông Hàn cho biết thêm: “Với khách du lịch, yếu tố họ quan tâm nhất không phải là giá lên tàu hay giá thức ăn, đồ uống trên tàu, mà là tàu có an toàn không, các ghế có được trang bị đầy đủ áo phao hay không”.
Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, ngoài việc bảo đảm 100% tàu hoạt động phải bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, việc các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND thành phố sắp xếp lại các tàu du lịch neo đậu trật tự tại khu vực cảng sông Hàn (cũ) cũng đã góp phần đưa hoạt động tàu du lịch vào nền nếp và an toàn hơn. Hiện nay đã chấm dứt tình trạng tàu du lịch neo đậu chui ở khu vực gần cầu Rồng, cầu Sông Hàn...
Bài và ảnh: Thanh Vân