Kinh tế
Vượt khó, làm giàu chính đáng
Những người nghèo ở phố và từ thôn quê ra phố bền bỉ học nghề, chăm chỉ làm ăn, từ tay trắng phấn đấu vươn lên. Họ không có bằng cấp, chỉ có sự cần cù, chăm chỉ mà trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.
Anh Trần Trung Hữu trong trại nuôi cá cảnh của mình. |
Không có điều kiện theo đuổi con đường học vấn, anh thanh niên Trần Trung Hữu (tổ 68, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chọn nghề nuôi cá cảnh để mưu sinh. Hơn 10 năm qua, anh bền bỉ phấn đấu, lấy ngắn nuôi dài, từng bước mở rộng cơ sở, đến nay đã có cả trại nuôi cá cảnh rộng hơn 200m2 với đồng bộ các trang, thiết bị.
Trại cá cảnh của anh Hữu hiện có hơn 3.000 con cá mẹ và hàng chục vạn cá con các loại. Hằng ngày, anh miệt mài đi vớt các loại vi sinh vật trên mặt nước (ấu trùng, bọ gậy...) và ngược xuôi đến các chợ mua tôm, tép, giun đem về cho cá ăn. Anh thường xuyên theo dõi sự phát triển của cá, chủ động xử lý phòng ngừa dịch bệnh...
Theo anh Hữu, nuôi cá cảnh phải kỳ công, tỉ mỉ như nuôi con mọn, nhưng có hiệu quả cao. “Ngày nào cũng có người đến mua cá cảnh, giá từ 20.000 - 50.000 đồng/con, bình quân mỗi ngày bán được từ 600.000 - 800.000 đồng”, anh Hữu nói.
Học hết phổ thông, anh Nguyễn Vũ (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) yên tâm cùng cha mẹ theo nghề biển và buôn bán hải sản, bền bỉ lao động làm giàu hợp pháp. Bây giờ, gia đình anh đã có 2 tàu cá, tạo việc làm cho 24 lao động và nhiều năm liền đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp thành phố. Còn cựu chiến binh Trần Văn Xuất (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) say mê với nghề sản xuất- kinh doanh đá mỹ nghệ, dần dần trở thành chủ doanh nghiệp lớn tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước, sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong nước và nước ngoài. Mỗi năm anh Xuất ủng hộ các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo, khuyến học hàng trăm triệu đồng...
Biết bao nông dân trẻ như anh Hữu, anh Vũ, anh Xuất mưu sinh bằng các nghề thông thường mà thu nhập cao và có điều kiện đóng góp, cống hiến cho xã hội. Anh Xuất tâm sự: Mình đâu có bằng cấp gì, chỉ có nghề làm đá mỹ nghệ và quyết tâm mưu sinh bằng nghề đó, không nề hà khó nhọc, kiên trì phấn đấu vươn lên và bây giờ cơ sở của mình có cả chục nhân viên tốt nghiệp đại học.
Cũng không ít người nghèo từ thôn quê ra phố mưu sinh và làm nên cơ nghiệp. Buổi đầu ra phố, họ ở trọ hoặc ở nhờ nhà người thân, tảo tần học nghề, bền bỉ vượt khó vươn lên, dần dần trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Chỉ riêng ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước đã có hơn 300 lao động trẻ từ các nơi đến học nghề và tạo được cuộc sống khá giả. Nhiều người học nghề nấu ăn, phụ bếp, pha cà-phê..., thời gian học ngắn mà dễ dàng xin được việc làm trong các quán ăn, nhà hàng, khách sạn. Những người học nghề xây dựng, cơ khí, gò, hàn, mộc, điện, điêu khắc, sửa xe, cắt kính... cũng dễ được tuyển dụng, hoặc tự tạo được việc làm.
Hoàn cảnh khó khăn, anh Tưởng Tâm (quê Điện Hòa, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) sớm nghỉ học, ra Đà Nẵng mưu sinh gần 10 năm nay. Lúc đầu, anh học nghề điện xe máy, sau tiếp tục học nghề sửa xe máy. Học nghề xong, anh làm công cho một tiệm sửa xe, dần dần thành thợ giỏi, sửa được mọi hư hỏng của xe máy các loại và thu nhập theo đó tăng lên không ngừng. Từ chỗ ở trọ, bây giờ anh không những có nhà cho thuê trọ mà còn mới mua ngôi nhà 3 tầng khang trang trên đường Phạm Huy Ôn (quận Hải Châu) và mở tiệm sửa xe tại nhà.
“Mình phải thành thạo tay nghề, giá tiền cũng phải rẻ thì mới có nhiều khách và ngày nào mình cũng làm thâm tối mới kịp trả xe cho khách”, anh Tâm chia sẻ.
Trên địa bàn thành phố, biết bao người không có bằng cấp nhưng nêu gương sáng về quyết tâm học nghề và ý chí vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. Những tấm gương ấy càng minh chứng câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” và càng có giá trị trong thực trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM