.

Chủ động tìm hướng đi trước "biển lớn"

.

Trước hàng loạt hiệp định thương mại được nước ta ký kết với các đối tác trên thế giới, mà lớn nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã mở ra một thị trường rộng lớn cho cộng đồng doanh nhân. Làm thế nào để hội nhập hiệu quả là bài toán được nhiều doanh nhân đi tìm lời giải.

Cơ hội đến với những ai luôn sẵn sàng

Ông Phan Hải, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại BQ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, bản thân ông cũng như nhiều doanh nhân trẻ thành phố cảm thấy háo hức và hồi hộp trước thời điểm các hiệp định thương mại như TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực.

Là đơn vị kinh doanh mặt hàng da giày - một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại, BQ đã có những bước chuẩn bị từ cách đây vài năm như tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mới, cao cấp hơn từ Đài Loan, Singapore…, mở rộng thị trường ra toàn quốc cũng như nước bạn Lào với mục tiêu xây dựng vững chắc thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bên cạnh đó, BQ cử nhiều nhân viên đi đào tạo nâng cao ở nước ngoài nhằm hướng đến một cuộc “thay máu” về nhân sự, tạo điều kiện cho lớp trẻ, những người năng động, sáng tạo, bắt kịp với xu thế hội nhập lên điều hành doanh nghiệp.

Với một tâm thế lạc quan, ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinco nhìn nhận, hội nhập là xu thế tất yếu, là tín hiệu đáng mừng để các doanh nhân điều hành doanh nghiệp dịch chuyển dần từ những ngành nghề gia công sang những ngành nghề có công nghệ cao, có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Qua tìm hiểu, thực tế không phải doanh nhân nào cũng nhìn nhận một cách đầy đủ những cơ hội và thách thức mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Vẫn còn một bộ phận doanh nhân thờ ơ, tự hài lòng với quy mô, sản lượng hiện có của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng, sự thờ ơ của doanh nhân lúc này là rất “nguy hiểm”, bởi lẽ, các hiệp định thương mại như TPP, AEC… mở ra cơ hội lớn thì cũng đồng nghĩa với những quy tắc, quy chuẩn khắt khe, việc chúng ta có đáp ứng được các quy tắc xuất xứ ấy hay không mới là vấn đề quan trọng. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ngay trên sân nhà.

Trước câu hỏi, với các hiệp định trên, cộng đồng doanh nhân Đà Nẵng được hưởng lợi gì? Ông Nguyễn Diễn cho rằng: “Không thể nói được cụ thể những lợi ích đó, tuy nhiên có thể nhìn thấy với TPP chúng ta sẽ nhận được rất nhiều những cơ hội về xuất nhập khẩu, đầu tư, nhất là với những ngành mà chúng ta phát triển khá mạnh như da giày, dệt-may, thủy sản, gỗ… Đây cũng là thế mạnh của Đà Nẵng với gần 40 doanh nghiệp dệt-may, thủy sản đang hoạt động khá hiệu quả…

Đồng thời, từ việc tiếp xúc trực tiếp với các nền kinh tế lớn trên thế giới, chúng ta có cơ hội được chuyển giao những công nghệ mới tân tiến nhất. Gia nhập vào các hiệp định thương mại không chỉ đem lại những cơ hội hợp tác, làm ăn mà nó còn giúp cho cộng đồng doanh nhân thay đổi cách nhìn một cách toàn diện hơn, bắt buộc họ phải năng động để tìm kiếm cơ hội thay vì an phận trong một sân chơi “ao làng” như bấy lâu nay”.

Cần loại bỏ nhiều chính sách, cơ chế không hợp thời

Để thích nghi với xu thế hội nhập, ông Nguyễn Diễn cho rằng, doanh nhân Đà Nẵng cần ý thức được những cơ hội cũng như thách thức mà các hiệp định thương mại sẽ đem lại; chủ động tìm kiếm thông tin, thị trường mà mình có lợi thế cạnh tranh, nắm rõ các quy tắc xuất xứ (về chất lượng nguồn lao động, môi trường...); đồng thời, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Với số lượng chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là đối tượng thụ hưởng những lợi thế cũng như phải chịu sức ép mạnh mẽ từ các hiệp định thương mại. Ngoài ra, nhiều quy định về cơ chế, chính sách cũng đang là rào cản lớn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh.

“Hiện nay, môi trường kinh doanh của nước ta chưa thực sự thông thoáng, bản thân doanh nhân, doanh nghiệp phải gánh trên mình nhiều chi phí không chính thức; trong khi nguồn lực tự thân còn khó khăn, nhiều yếu kém. Chính vì vậy, cộng đồng DNNVV rất cần sự đồng hành, quan tâm tạo điều kiện từ phía chính quyền thành phố đến Trung ương trong việc ban hành những chương trình hành động, chính sách cụ thể, thiết thực, kịp thời hỗ trợ DNNVV hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng nhìn nhận.  

Khánh Hòa

;
.
.
.
.
.