Kinh tế
Đưa hàng địa phương vào siêu thị: Khi nào cầu gặp cung?
Trong khi các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn thành phố loay hoay với tình trạng bấp bênh về giá cả và đầu ra sản phẩm thì hệ thống siêu thị lại đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung nhưng vẫn thiếu. Vì sao lại có nghịch lý này?
Để hàng nông sản vào được siêu thị thì nông dân và HTX phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt. |
Lác đác hàng nông sản địa phương
Theo thống kê từ Sở Công thương, hiện trên địa bàn có hơn 50 HTX, cơ sở sản xuất hàng nông sản với các sản phẩm rau, củ, quả, nấm các loại, thịt gia súc, gia cầm, trứng, cây cảnh, nước mắm… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố. Nhưng điều đáng nói là hàng nông sản địa phương lại chiếm tỷ lệ rất ít tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn.
Chị Lê Thị Mỹ (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) thắc mắc: “Trong khi Đà Nẵng có nhiều sản phẩm truyền thống làng nghề nổi tiếng như bánh tráng Túy Loan, nước mắm Nam Ô, nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò, các loại rau củ quả… và đặc biệt là thủy hải sản, thế nhưng, khi vào các siêu thị chẳng thấy hàng nông sản của địa phương bày bán, nếu có thì số lượng cũng rất ít”.
Đại diện các siêu thị trên địa bàn thành phố cho biết, mặt hàng rau, củ, quả địa phương chỉ chiếm từ 3-5% (tùy mùa), số còn lại là các loại nấm, trứng gà, thịt gia súc, gia cầm và chưa quá 5% hàng nông sản địa phương vào các siêu thị.
Giải thích về điều này, đại diện một số siêu thị cho rằng, hàng hóa tại siêu thị chủ yếu thuộc nhóm ôn đới, được trồng ở vùng cao nguyên Lâm Đồng như cà rốt, khoai tây, bắp cải, cải thảo, cà chua, xà lách, bông cải, khoai... chiếm tỷ trọng lớn hơn, còn lại thuộc nhóm nhiệt đới. Đấy là chưa kể siêu thị cũng phải kiểm soát chất lượng từ đầu vào, sản phẩm phải đảm bảo sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn an toàn, được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau quả an toàn hoặc đạt tiêu chuẩn VietGap...
Để nông sản tiếp cận thị trường
Đây là câu chuyện được nhiều ngành chức năng của thành phố quan tâm, nhưng tìm đầu ra cho nông sản không dừng lại ở vấn đề đơn giản là chuyện tiêu thụ.
Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Những năm gần đây, hàng hóa nông sản của Đà Nẵng đã từng bước khẳng định được giá trị, tuy nhiên vẫn ở thế yếu khi cạnh tranh với thị trường. Vì vậy, nhà sản xuất cần phải thay đổi cả về hình thức canh tác lẫn tư duy sản xuất hàng hóa và phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu nhất của nhà phân phối”.
Cùng quan điểm trên, bà Lê Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Đà Nẵng cho hay: “Co.op Mart thường xuyên tìm kiếm nguồn sản phẩm địa phương đưa vào hệ thống siêu thị trên toàn quốc. Tuy nhiên, những sản phẩm chọn mua phải xuất trình đầy đủ giấy tờ của cơ quan chức năng. Vì vậy, số lượng nông sản địa phương đáp ứng yêu cầu chưa nhiều. Để hàng nông sản vào được siêu thị thì nông dân hay HTX phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt và phải có đủ các loại giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh, chất lượng”.
Bà Nguyễn Thị Mùi, đại diện HTX Thương mại - dịch vụ An Hải Đông cho rằng, việc đưa hàng vào siêu thị không khó, nhưng vấn đề cản trở nhất là giá và khi siêu thị không bán hết hàng trong ngày, HTX lại phải cử người đi gom hàng về nên mất rất nhiều thời gian và chi phí. Đến thời điểm này, sản phẩm nấm của HTX đã vào các siêu thị BigC, Metro, nhà hàng… khoảng 40% tổng sản lượng.
Tuy nhiên, hiện một số người dân trồng nấm, rau của HTX cũng không muốn đưa hàng vào siêu thị vì giá không cao so với ở chợ, bởi khi ký hợp đồng, siêu thị đã “mặc định” một giá nên có muốn thương lượng nâng giá lên cũng khó vì hợp đồng đã ký kết ổn định cả năm.
Theo một số HTX, việc ký kết đưa hàng vào hệ thống siêu thị chỉ mang tính hình thức. Đơn cử như, trong năm 2014, HTX Nấm Như Mai ký bản ghi nhớ với đối tác về cung ứng sản phẩm và hy vọng về đầu ra sản phẩm ổn định, các HTX thấy vậy liên kết với HTX Như Mai nhưng lại thất vọng bởi phía đối tác ép giá sản phẩm, khiến nhiều HTX từ chối cung ứng.
Một tín hiệu vui đối với người nông dân là mới đây, tại Hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức tại Đà Nẵng, đã có 46 biên bản thỏa thuận được ký kết giữa các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm lớn với các đơn vị sản xuất sản phẩm nông nghiệp của Đà Nẵng. Tuy nhiên, để cầu thực sự gặp cung, thiết nghĩ cả ba bên từ nhà nông, nhà sản xuất và nhà phân phối phải tìm được tiếng nói chung có lợi cho cả ba phía trong việc đưa hàng nông sản địa phương ra thị trường, nhất là đến với hệ thống các siêu thị.
Bài và ảnh: Duyên Anh