Kinh tế
Bảo đảm thông tin liên lạc mùa mưa bão
Là thành phố duyên hải miền Trung, Đà Nẵng thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của các đợt mưa bão. Để bảo đảm thông tin liên lạc (TTLL) thông suốt, ngành viễn thông thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát các vị trí xung yếu; lập kế hoạch cụ thể về bảo dưỡng, sửa chữa, củng cố thiết bị nhằm hạn chế thấp nhất việc gián đoạn thông tin.
Khi có sự cố thiên tai xảy ra, các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo khắc phục sự cố sau 24 giờ. |
Xây dựng kịch bản và đội ứng cứu nhanh
Một trong những mục tiêu mà các đơn vị viễn thông trên địa bàn thành phố đặt lên hàng đầu là giúp cho sự điều hành, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo các cấp về công tác phòng chống bão lụt (PCBL) cũng như công tác khắc phục sự cố sau bão được triển khai nhanh chóng, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, các đơn vị còn chú trọng đến việc bảo đảm TTLL cho người dân để theo dõi tình hình bão lũ, khắc phục sự cố sau bão.
Ông Nguyễn Nho Túy, Phó Giám đốc Viễn thông Đà Nẵng (VNPT Đà Nẵng) cho biết: “Bảo đảm TTLL trong mùa mưa được xem là “mạch máu” quan trọng góp phần làm thông suốt toàn bộ hệ thống thông tin từ chính quyền đến nhân dân. Là đơn vị chủ lực trong cung cấp các dịch vụ viễn thông trên địa bàn, từ điện thoại cố định, Internet, di động, truyền hình, VNPT Đà Nẵng có phương án PCBL từ sớm nhằm bảo đảm TTLL cho chính quyền và người dân tốt nhất.
Từ quý 1, VNPT Đà Nẵng đã kiện toàn lại Ban chỉ huy PCLB và đội ứng cứu nhanh của đơn vị do giám đốc đơn vị làm trưởng ban; đồng thời rà soát và chuẩn bị các vật tư, thiết bị dự phòng cho công tác ứng cứu xử lý sự cố đảm bảo an toàn thông tin”.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa bão diễn biến bất thường có thể xảy ra, các doanh nghiệp (DN) viễn thông đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án PCLB chi tiết, kịch bản xử lý cụ thể theo từng đặc điểm riêng của đơn vị.
Ngoài ra, các DN còn lên phương án đảm bảo công tác kinh doanh, phát triển dịch vụ và chăm sóc khách hàng khi có thiên tai nhằm tận dụng tối đa năng lực mạng lưới và đáp ứng phù hợp theo nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng cao.
Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống thiên tại hằng năm của Tập đoàn Viettel, ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật, Chi nhánh Viettel tại Đà Nẵng cho hay: “Trước mùa mưa bão, Viettel tiến hành kiểm tra mạng lưới các nhà trạm, trang thiết bị, cột ăng-ten, nguồn điện, hệ thống thiết bị truyền dẫn, đồng thời tu sửa các thiết bị không đảm bảo, bảo dưỡng các máy điện thoại chủ chốt phục vụ công tác điều hành PCLB. Các đội kỹ thuật của Viettel đều được trang bị nhu yếu phẩm, dụng cụ đầy đủ… vừa bảo đảm hoạt động trong thời gian mưa bão vừa kịp thời hỗ trợ thông tin cho người dân nhanh chóng và kịp thời."
Bảo đảm công tác chỉ đạo kịp thời
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng, hiện mạng đô thị thành phố được giám sát hoạt động tập trung 24/24, có khả năng khai báo từ xã và phục hồi sự cố tự động. Khi có thiên tai xảy ra, mạng đô thị thành phố với gần 300km cáp quang đi ngầm, gồm 14 vòng ring truyền dẫn có đủ khả năng và sẵn sàng phục vụ kịp thời cho sự lãnh đạo của các ngành chức năng.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Hoàng Cẩm khẳng định: “Mạng đô thị thành phố tạo ra một xa lộ thông tin nội bộ cho các cơ quan Nhà nước với hệ thống thiết bị hiện đại như thiết bị chuyển mạch chuyên dụng và bảo mật, sử dụng công nghệ truyền dẫn tiên tiến với tổng băng thông 20 Gbps và có thể mở rộng lên đến 40 Gbps. Ngoài hệ thống mạng đô thị, khi có thiên tai xảy ra, Trung tâm Dịch vụ công Đà Nẵng bảo đảm cổng tin nhắn để phục vụ nhắn tin các thông tin mới nhất về thiên tai cũng như hướng dẫn tổ chức phòng chống thiên tai cho lãnh đạo các ngành chức năng, các quận, huyện, tổ trưởng tổ dân phố…”.
Về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả đối với các công trình viễn thông, Sở TT&TT yêu cầu các DN thông tin di động trên địa bàn thành phố triển khai rà soát toàn bộ, có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn cho các cột ăng-ten; bảo dưỡng định kỳ tất cả các trạm BTS đang sở hữu, khai thác theo quy trình nội bộ 3 tháng/lần. “Sở yêu cầu các DN tổ chức gia cố các cột ăng-ten khu vực ven biển, khu vực đông dân cư, triển khai thu hồi một số thiết bị dễ rơi, hỏng và gây mất an toàn cho người dân xung quanh như trạm thu phát wifi, di động… nhằm phục vụ tốt nhất trong mùa mưa bão”, ông Cẩm nói.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN