.

TPP - Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Đà Nẵng

.

Bài 1: Tham gia TPP: Cơ hội và thách thức

Ngày 5-10-2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tuyên bố kết thúc đàm phán.

Kết quả đàm phán là một hiệp định chất lượng cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm nghèo tại các nước; nâng cao minh bạch hóa, quản trị tốt cũng như bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường.

Việc kết thúc đàm phán TPP với các tiêu chuẩn mới và cao về thương mại, đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là một bước quan trọng để tiến tới mục tiêu cao nhất về thương mại tự do và hội nhập trên toàn khu vực.  

Cảng Đà Nẵng có điều kiện phát triển khi tham gia TPP. 			Ảnh: THANH GIÁN
Cảng Đà Nẵng có điều kiện phát triển khi tham gia TPP. Ảnh: THANH GIÁN

TPP bao gồm các quy định và cam kết thương mại truyền thống và phi truyền thống, tại đó các nội dung về thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, xuất nhập khẩu, thuế quan, phi thuế quan và các biện pháp tại biên giới vẫn tiếp tục duy trì và thực hiện tự do hóa ở cấp độ sâu rộng hơn. Hiệp định sẽ điều chỉnh các nội dung thương mại phi truyền thống, trực tiếp gắn với hoạt động kinh doanh đầu tư cũng như hình thành thị trường trao đổi các yếu tố của quá trình sản xuất như lao động, đất đai, môi trường, vốn, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ…

Cơ hội   

Về mặt kinh tế, Việt Nam được đánh giá sẽ đạt được các lợi ích lớn và lợi ích “cốt lõi” khi tham gia vào TPP.  Đối với ngành dệt may, thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ giảm 50% ngay năm đầu tiên TPP có hiệu lực (tương đương 1 tỷ USD) và tăng lên trong những năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 30%/năm; về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, có một số linh hoạt như nhập nguyên liệu từ nước thứ ba để sản xuất hàng dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ vẫn được hưởng ưu đãi theo TPP. 

 Đối với ngành da giày, dự kiến giảm khoảng 60% số thuế nhập khẩu phải nộp cho Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu được đánh giá dự kiến tăng khoảng 25% so với tốc độ tăng 15% trước khi tham gia TPP; kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và sản phẩm chế biến có khả năng tăng lên.

Tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (do các nước tham gia TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu); cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á.

Hoa Kỳ và các nước dành linh hoạt cho ta tiếp cận tiêu chuẩn TPP có thời gian chuyển đổi, lộ trình tối đa cho các nghĩa vụ khó nhất lên đến 20 năm. Ta có cơ hội tận dụng các ưu đãi, mở cửa thị trường của các nước để phát triển, thu hút mạnh đầu tư và công nghệ tiên tiến, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia đấu thầu, mua sắm Chính phủ, các nước có cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư các nước của TPP.

Tham gia TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế. Tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ khẳng định vai trò, vị thế chính trị và ngoại giao của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đang dạng hóa, đi đôi với tăng cường quốc phòng, an ninh. 

Thách thức  

Tuy nhiên, tham gia TPP, bên cạnh mặt thuận lợi và lợi ích mang lại thì rủi ro và thách thức luôn đi kèm và không nhỏ đối với Việt Nam, trong điều kiện là nước thu nhập trung bình, trình độ nền kinh tế phát triển ở mức thấp nhất trong 12 nước thành viên TPP, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chất lượng nguồn nhân lực thấp; thể chế kinh tế và thực thi pháp luật còn nhiều bất cập; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, sản phẩm và doanh nghiệp còn yếu kém; thực tiễn 10 năm hội nhập quốc tế gần đây chưa đạt được mục tiêu.

Mở cửa thị trường là nội dung chủ yếu của TPP, tuy Việt Nam được chấp nhận mở cửa theo lộ trình đối với nhiều lĩnh vực, mặt hàng, nhưng các doanh nghiệp trong nước sẽ mất thị phần thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, mua sắm chính phủ phải chia sẻ lợi ích cho các doanh nghiệp nước ngoài, làm giảm việc làm, khả năng doanh nghiệp bị phá sản, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nảy sinh các hệ lụy về chính trị, văn hóa và xã hội.

Bên cạnh đó, tham gia TPP còn gặp phải những thách thức chính từ hạn chế của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đó là những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thực thi thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; hạn chế trong tiếp cận lao động và nguồn nhân lực; hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực y tế và giáo dục; hạn chế trong tiếp cận tín dụng; hạn chế trong tiếp cận đất đai; hạn chế trong năng lực đổi mới và sáng tạo; hạn chế trong năng lực đáp ứng của cơ sở hạ tầng; hạn chế trong tiếp cận thị trường nước ngoài…

Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhiều ngành như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản... sẽ trực tiếp chịu sự tác động của TPP, với nhiều cơ hội và thách thức như nêu ở trên.

Thanh Gián

(nguồn Bộ Công thương)

;
.
.
.
.
.