Kinh tế

Truyền hình số: Người dân còn bỡ ngỡ

07:28, 12/11/2015 (GMT+7)

Hơn 10 ngày sau khi Đà Nẵng ngắt toàn bộ sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển sang truyền hình số chuẩn DVB-T2, hầu hết người dân thành phố đã được xem các kênh truyền hình với hình ảnh sắc nét, nội dung phong phú. Tuy nhiên, một số hộ dân miền núi vẫn còn bỡ ngỡ khi lắp đặt và sử dụng các thiết bị thu, xem truyền hình số.

Nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố vẫn còn bỡ ngỡ trong việc sử dụng trang thiết bị thu, xem truyền hình số. Ảnh: HOÀNG HÂN
Nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố vẫn còn bỡ ngỡ trong việc sử dụng trang thiết bị thu, xem truyền hình số. Ảnh: HOÀNG HÂN

Chập chờn mùa mưa

Theo phản ánh của người dân thành phố, kể từ khi Đà Nẵng chính thức ngắt toàn bộ sóng truyền hình tương tự mặt đất vào ngày 1-11, hầu hết người dân đều rất phấn khởi vì chỉ với một ti-vi cũ mà lại được xem truyền hình với chất lượng đảm bảo. “Nếu trước đây với sóng truyền hình tương tự mặt đất, người dân chỉ xem được từ 7-8 kênh truyền hình thì nay với truyền hình số chuẩn, họ xem được đến vài chục kênh mà hình ảnh lại rất rõ như đang xem cáp”, ông Phan Văn Chỉnh, Tổ trưởng tổ dân phố 75, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu phấn khởi.

Với những người dân ở ngoại thành Đà Nẵng, nơi truyền hình cáp chưa với đến thì niềm vui khi nhà nhà đều bắt được sóng truyền hình số như được nhân đôi; nhất là ở các xã miền núi, nơi chủ yếu đồng bào dân tộc sinh sống, từ bao đời nay, ngay cả sóng truyền hình tương tự mặt đất không thể tiếp cận thì việc thu, xem được sóng truyền hình số đã phần nào giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Ông Đoàn Văn Thể, cán bộ phụ trách truyền thanh Đài Truyền thanh xã Hòa Bắc cho biết: “Lâu nay, một số thôn ở Hòa Bắc không xem được truyền hình mặt đất do vướng địa hình miền núi nên việc thu sóng từ trạm phát lặp không đạt hiệu quả. Từ ngày chuyển sang truyền hình số, người dân địa phương có thể xem được nhiều kênh truyền hình khác nên rất vui”.

Tuy nhiên, trong mấy ngày mưa bão vừa qua, một số hộ dân trên địa bàn thành phố phản ánh tình trạng sóng truyền hình số vẫn bị chập chờn, hình ảnh lúc có lúc không.

“Những ngày bình thường thì xem truyền hình rất tốt, nhưng mấy ngày mưa vừa qua, nhiều hộ dân ở thôn không bắt được sóng truyền hình số. Nhiều người chỉnh ăng-ten tới lui nhưng sóng vẫn rất chập chờn. Ngay cả những hộ mua đầu thu về cũng không biết cách sử dụng và điều chỉnh kênh như thế nào cho hiệu quả”, ông Nguyễn Đảng, Trưởng thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang cho biết.

Nhiều hộ nghèo và cận nghèo nằm trong diện được hỗ trợ đầu thu vẫn còn bỡ ngỡ trong việc sử dụng thiết bị thu, xem truyền hình. Nhiều hộ cho biết, trong quá trình lắp đặt, do đơn vị thầu chưa hướng dẫn nhiệt tình nên cũng không biết cách sử dụng, không biết cách điều chỉnh ăng-ten để ti-vi bắt được sóng. Việc tìm mua đầu thu truyền hình số ở những đại lý chính hãng cũng ít được người dân ở ngoại thành biết đến. Theo khảo sát của chúng tôi, nếu như người dân nội thành Đà Nẵng tìm mua đầu thu số ở các đại lý chính hãng thì nhiều người ở ngoại thành phải nhờ thợ điện đến lắp đặt.

Ông Võ Văn Kỳ, Trưởng thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang cho hay: “Người dân ở thôn không biết mua đầu thu số ở đâu nên nhờ thợ điện trong thôn lắp đặt giúp với giá tiền từ 550.000-620.000 đồng/cái. Nghe thợ điện nói mua đầu thu này ở dưới Hòa Khánh, nhưng chúng tôi cũng không biết đầu thu này có hợp chuẩn hay không, cũng không thấy họ nói bảo hành chi cả”.

Có nên hỗ trợ đầu thu vệ tinh?

Được sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn ngân sách địa phương, vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2 miễn phí cho gần 5.700 hộ nghèo và cận nghèo của thành phố. Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý, nhiều hộ dân ở các vùng lõm sóng vẫn chưa thu được sóng truyền hình số mặt đất. Một số hộ có điều kiện thì tự sắm đầu thu truyền hình qua vệ tinh.

Vừa qua, UBND thành phố có chủ trương hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho các hộ tại vùng bị lõm sóng, trong đó có các hộ dân ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Nhưng khi biết được thông tin hỗ trợ đầu thu vệ tinh, nhiều người dân nghèo lo lắng phải trả tiền dịch vụ hằng tháng trong khi đời sống của họ vẫn còn khó khăn.

“Cho tới nay, người dân ở thôn rất nóng ruột xem ti-vi vì chưa thu được sóng truyền hình số. Được biết, thành phố sẽ hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho các hộ dân ở vùng lõm sóng, nhưng nhiều người dân ở thôn sẽ không có tiền để trả dịch vụ hằng tháng, rất mong thành phố quan tâm”, ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc chia sẻ.

Theo các nhà chuyên môn, phương án hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho các hộ dân ở vùng lõm sóng sẽ khó khả thi vì vừa tốn nhiều kinh phí mà lại mất thời gian, trong khi đó các kênh truyền hình của địa phương lại chưa được đưa lên sóng vệ tinh.

Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo đề án Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn tất cả mọi người dân của thành phố Đà Nẵng từng bước được thụ hưởng tất cả mọi tiện ích của truyền hình số mặt đất. Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã trực tiếp đi khảo sát khu vực Tà Lang và Giàn Bí, xã Hòa Bắc, nơi có 76 hộ đồng bào Cơtu, vẫn chưa xem được truyền hình số.

Qua khảo sát, chúng tôi biết VNPT Đà Nẵng chuẩn bị triển khai 1 trạm BTS với trụ ăng-ten cao trên 40 mét tại thôn Tà Lang. Nếu VNPT Đà Nẵng lắp đặt được trạm BTS ở khu vực này thì toàn bộ hạ tầng sẽ được hoàn thiện từ nhà trạm, điện, đường truyền, trụ ăng-ten… Điều này sẽ rất thuận tiện cho việc triển khai một trạm phát truyền hình mà không phải đầu tư quá lớn”.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo, nếu mọi việc thuận lợi thì chậm nhất, đến quý 2 năm 2016, trạm BTS của VNPT Đà Nẵng sẽ hoàn thành. “Nếu được VNPT Đà Nẵng hỗ trợ và được UBND thành phố cho phép, chúng tôi có thể tham mưu triển khai một trạm phát lặp để phủ sóng truyền hình số cho toàn thể bà con của 2 thôn vùng sâu, vùng xa nhất thành phố nhất này có thể thu, xem truyền hình không khác gì tại khu vực trung tâm Đà Nẵng”, ông Cẩm mong muốn.

HOÀNG HÂN

.