Kinh tế
Chính sách đối với lao động nữ: Còn nhiều bất cập
Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 85 về chính sách đối với lao động nữ với mục đích mang lại nhiều quyền lợi cho đối tượng vốn chịu nhiều thiệt thòi này. Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai Nghị định 85 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 7-12 tại Đà Nẵng, nhiều đại biểu cho rằng nghị định này còn nhiều điểm bất cập, thiếu khả thi.
Lao động nữ có con nhỏ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để vắt, trữ sữa. (Ảnh mang tính minh họa) |
Có nên xây buồng tắm tại nơi làm việc?
Nghị định 85 quy định: Người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc; khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, phù hợp nguyện vọng của lao động nữ.
Tuy nhiên, ông Lê Duy Lương, Giám đốc nhân sự của Công ty TNHH điện tử Foster Đà Nẵng, nơi có hàng chục ngàn lao động đang làm việc, trong đó có 95% lao động là nữ, cho rằng quy định này rất khó thực hiện.
“Nhà vệ sinh chúng tôi đã thiết kế và xây dựng gần chục năm nay. Bây giờ đập ra để làm lại sẽ tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ. Mặt khác, theo khảo sát của chúng tôi thì nhiều lao động nữ không có nhu cầu tắm rửa trước khi về nhà bởi điều kiện làm việc của người lao động ở môi trường sạch sẽ, rất ít bụi. Nên chăng nếu quy định thì chỉ ở một vài đơn vị có điều kiện làm việc đặc thù nào đó”, ông Lương nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Lương, bà Thạch Bích Hợp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, cần phải tính toán kỹ, nếu không sẽ gây lãng phí tại doanh nghiệp, làm đội giá thành một cách không cần thiết.
Điều 2 của nghị định này quy định về thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ và điều 5 quy định về việc khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng trở lên có thời gian cụ thể vắt, lưu trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Theo nhiều đại biểu, việc bố trí phòng vắt sữa tại nơi làm việc phụ thuộc vào điều kiện thực tế ở mỗi đơn vị. Hơn nữa, nghị định chỉ nêu là khuyến khích chứ không phải bắt buộc nên không dễ để chủ doanh nghiệp bỏ kinh phí xây dựng phòng vắt sữa chỉ để phục vụ nhu cầu của một số ít lao động nữ. Theo ông Lê Duy Lương, cần xem xét lại quy định bởi Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng đã thực hiện việc này nhưng hầu hết lao động nữ đều không dùng dụng cụ để vắt, trữ sữa mà công ty trang bị vì ngại dùng chung với nhau.
Chính sách phải đi vào cuộc sống
Theo Nghị định 85, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt sữa và nghỉ ngơi. Trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày, tối thiểu 3 ngày/tháng, thời gian nghỉ được hưởng nguyên lương. Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp, quy định này rất khó thực hiện và sắp xếp công việc cho người lao động với số lượng lớn là lao động nữ.
“Rất khó để biết ngày nào lao động nữ có hành kinh để cho họ nghỉ và nếu một tháng mà họ đồng loạt nghỉ cùng lúc với nhau thì rất khó cho doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất và đơn hàng. Nên chăng có thể quy ra tiền để hỗ trợ thêm cho lao động nữ bồi dưỡng tăng cường sức khỏe”, ông Hồ Sỹ Tân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Dệt-may Vinacad (Khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng), doanh nghiệp hiện có hơn 1.000 lao động, trong đó phần lớn là nữ - nêu ý kiến. Tương tự, ông Lê Duy Lương cho biết, hiện nay, công ty ông “cộng dồn” lại để lao động nữ vẫn có thể được hưởng đủ thời gian nghỉ vào ngày cuối tháng để thuận tiện cho công việc mà vẫn bảo đảm quy định.
Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay trên cả nước có gần 26 triệu lao động nữ, chiếm 48,6% lực lượng lao động của xã hội. Theo ông Vũ Trùng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ LĐ-TB&XH, việc nâng cao điều kiện chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ, chế độ cho lao động nữ đang là một trong những giải pháp để doanh nghiệp thu hút và giữ chân lao động, nhất là ở các ngành nghề cần lao động nữ như: dệt-may, da giày và lắp ráp điện tử… Đồng thời, điều đó cũng góp phần bảo đảm một lực lượng lao động khỏe mạnh, giúp nâng cao nâng suất của lao động nữ, từ đó, tăng doanh thu cho tất cả doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề là phải làm sao để chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống và lao động nữ được hưởng những chế độ, chính sách mà Nhà nước quy định nhưng không được gây khó cho doanh nghiệp.
Bài và ảnh: Phương Trà