.

Lời giải liên kết du lịch vùng

.

Có lợi thế nằm trên con đường di sản miền Trung, tiềm năng du lịch của ba địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam là rất lớn. Việc liên kết phát triển du lịch giữa 3 địa phương đã được triển khai gần 10 năm nay nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. Hai năm qua, được sự hỗ trợ của dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là dự án EU) đã có nhiều hoạt động cụ thể được triển khai nhưng mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo.

Các sự kiện lớn của mỗi địa phương nên có một chương trình hành động thống nhất để hỗ trợ lẫn nhau.
Các sự kiện lớn của mỗi địa phương nên có một chương trình hành động thống nhất để hỗ trợ lẫn nhau.

Sản phẩm du lịch còn thiếu hụt

Ba địa phương đã xác định thị trường quốc tế chung là Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu; phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để tăng tần suất xuất hiện hình ảnh du lịch địa phương...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các chuyên gia của dự án EU cũng chỉ ra những thiếu hụt của sản phẩm du lịch cũng như nguồn nhân lực của ba địa phương.  Bên cạnh đó, các thông tin, ấn phẩm giới thiệu của ba địa phương tại các chương trình còn rời rạc, chưa thể hiện được tính liên kết, thậm chí biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) dịch vụ du lịch chưa có sự thống nhất.

Kết quả khảo sát nguồn nhân lực năm 2015 của ba địa phương do TS Hoàng Gia Thư, chuyên gia nghiên cứu của dự án EU cho thấy, hiệu quả lao động của dịch vụ lưu trú có khoảng 60-80% nhân viên (ở các vị trí) đáp ứng yêu cầu công việc; dịch vụ lữ hành có khoảng 50-70% nhân viên ở các vị trí đáp ứng hiệu quả lao động như người sử dụng mong muốn…

Chuyên gia này cũng cho rằng, các địa phương nên chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, cần phải được thực hiện một cách bài bản, có hệ thống, phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan như doanh nghiệp, chính quyền địa phương và trung ương.

Bà Mary McKeon, Trưởng nhóm tư vấn thuộc dự án EU cũng chỉ ra những hạn chế của sản phẩm du lịch khu vực duyên hải miền Trung như chưa bảo vệ những tài nguyên thiên nhiên quanh điểm đến di sản, thiếu trạm dừng chân cho khách, dịch vụ viễn thông còn hạn chế, tính mùa vụ cao, kỹ năng nhân viên chưa tốt, sức hút và hoạt động tại một số điểm đến thiếu phong phú...

Cần tăng cường hợp tác

Trong báo cáo kỹ thuật của dự án EU đã đưa ra hướng kết nối các sản phẩm du lịch ưu tiên gồm “Con đường di sản” liên kết các sản phẩm văn hóa của khu vực với nhau; trung tâm du lịch “Thiên đường biển” tập trung phát triển và quảng bá các sản phẩm biển, đảo và “Con đường sinh thái” với các sản phẩm du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mới nổi.

Ông Phan Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam cho biết, ba trung tâm thường xuyên trao đổi thông tin, tuy nhiên công tác liên kết chưa chặt chẽ, các thông tin vẫn rời rạc, thiếu đồng bộ.

Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế Trần Văn Lực cho rằng, Đà Nẵng hiện là cửa ngõ của miền Trung, việc liên kết với Đà Nẵng là rất cần thiết. Cả ba địa phương đã có bản đồ du lịch chung, các địa phương phải bắt tay nhau, liên kết chặt chẽ hơn nữa. Liên kết là phải loại bỏ sự cạnh tranh, mỗi địa phương phải xác định được thế mạnh của mình để tập trung phát triển.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng ba địa phương đã có những thành tựu nhất định của ba điểm đến, bắt đầu hình thành công việc chung về phát triển du lịch, nổi bật là doanh nghiệp hình thành được chuỗi sản phẩm đáp ứng nhu cầu của du khách.

“Cần có sự quan tâm hơn nữa để các địa phương có thể tập trung phục vụ tốt trong những sự kiện lớn như sự kiện APEC 2017 nên có một chương trình tập huấn mang tính quốc tế về phục vụ và ẩm thực sao cho thật chuyên nghiệp”, ông Tấn Vinh đề xuất.

Bài và ảnh: CAO MINH

;
.
.
.
.
.