Kinh tế
Nguồn nhân lực du lịch: Chưa đáp ứng nhu cầu
Những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tuyển dụng, đào tạo lao động cho ngành du lịch và các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đặt ra tại cuộc họp do Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng tổ chức vào chiều 22-12.
Nguồn nhân lực ngành du lịch của Đà Nẵng đông đảo nhưng chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. TRONG ẢNH: Khách du lịch tham quan Bảo tàng điêu khắc Chăm. |
Nhiều vị trí khó tuyển dụng
Thống kê của Sở VH-TT&DL cho thấy, năm 2015, tổng lao động trong ngành du lịch khoảng 24.975 lao động, tăng 18% so với năm ngoái. Dự báo đến năm 2020, ngành du lịch ước đạt 33.044 lao động, tăng 57% so với năm ngoái.
Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng cho thấy, số lượng lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ sơ cấp nghề đến đại học chuyên ngành du lịch là 5.419/10.595 lao động, đạt 51%, tăng thêm 13% so với thời điểm khảo sát năm 2011.
Trong đó, các vị trí khó tuyển dụng là quản lý, điều hành khách sạn, nhân viên tiếp thị bán hàng, nhân viên phục vụ buồng phòng, nhà hàng.
Theo khảo sát mới nhất về nguồn nhân lực của dự án EU năm 2015, khoảng 60-80% nhân viên ở các chức danh đáp ứng yêu cầu công việc, khoảng 10% nhân viên được đánh giá xuất sắc với hiệu quả công việc tốt hơn kỳ vọng.
Tuy nhiên, khoảng 10-20% nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Các vị trí khó tuyển dụng nhất tại các cơ sở lưu trú là: quản lý bộ phận lễ tân, quản lý bộ phận buồng, bếp trưởng và quản lý bộ phận nhà hàng.
Tính đến hết năm 2015, Đà Nẵng có khoảng 2.038 hướng dẫn viên (HDV) đã được Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cấp thẻ; số lượng HDV ngày càng được trẻ hóa, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Số lượng HDV tiếng Nhật, tiếng Hàn chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Hầu hết HDV quốc tế mặc dù có trình độ đại học ngoại ngữ nhưng kỹ năng ngoại ngữ trong giao tiếp và hướng dẫn khách còn hạn chế.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát của viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố cũng chỉ ra rằng, năm 2014, tỷ lệ lao động toàn ngành du lịch đã qua đào tạo về ngoại ngữ khá lớn, chiếm 54,2% trong tổng số lao động ngành du lịch của thành phố.
Đặc biệt, ở khối khách sạn, năm 2014, khoảng 64% đã được đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ nhưng ở khối khách sạn từ 1-3 sao, hầu như tỷ lệ khách quốc tế rất ít (chỉ 10-15%) nên việc học ngoại ngữ chưa được các khách sạn quan tâm.
Chưa có tiếng nói chung
Bà Kiều Thanh Trang, Trưởng phòng Đào tạo nghề, Sở LĐ-TB&XH cho biết, mặc dù Đà Nẵng có tới 20 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch nhưng hiện nay, một số chức danh của các nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng phải tuyển người nước ngoài hoặc từ nơi khác.
1 năm, 20 cơ sở đào tạo khoảng 6.000 lao động, chưa kể lao động ở nơi khác dịch chuyển đến, tính về số lượng thì không thiếu nhưng chất lượng thì phải bàn lại. Trong số 20 cơ sở, chỉ có một trường cao đẳng nghề được kiểm định cấp độ 3. Bà Trang cho rằng, nên chăng cũng gắn hạng sao cho các cơ sở đào tạo nghề như khách sạn để biết chất lượng giảng dạy dựa vào các hạng sao đó.
Lý giải về việc ít nhận sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Giám đốc Nhân sự Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort cho rằng, thời gian thực tập của sinh viên quá ngắn (chỉ hơn 2 tháng), các em chưa kịp học gì, làm gì mà đã phải cấp giấy chứng nhận thì ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
“Chúng tôi vẫn nhận sinh viên một số trường ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc nước ngoài đến thực tập thường từ 4-6 tháng. Trong 6 tháng, các em mới có đủ thời gian quan sát, học hỏi chi tiết, cụ thể và mới có thể làm tốt công việc”, bà Hiền nói.
Cũng trăn trở về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, nhận thấy nhiều cơ sở đào tạo vẫn chạy theo hình thức mà chưa quan tâm vấn đề đào tạo. Vì vậy, ông đề xuất tăng cường kết nối nhà trường và doanh nghiệp; phải khảo sát, cân đối quy hoạch lại vấn đề đào tạo nghề du lịch sao cho phù hợp với thị trường của Đà Nẵng.
Các cơ sở đào tạo cũng nên gặp các doanh nghiệp để cập nhật các chương trình mới nhất, phù hợp với xu thế. Mặt khác, các chương trình đào tạo phải gắn liền với nhu cầu thực tế, mang tính thực hành cao. Giáo viên cũng nên tham gia thực hành tại các đơn vị lữ hành, khách sạn để có thể theo sát học viên của mình.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, bài toán nguồn nhân lực là vấn đề không chỉ của riêng Đà Nẵng. Sở VH-TT&DL ghi nhận các ý kiến góp ý của các đơn vị; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp, nhà trường có thể kết nối với nhau trong đào tạo, tăng thời gian thực hành cho sinh viên.
Các doanh nghiệp có thể tham gia hỗ trợ trong đào tạo, kết nối với các chuyên gia trong ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, HDV chia sẻ kinh nghiệm thực tế với sinh viên; theo dõi “đầu ra” của các trường, có các khuyến cáo đối với các doanh nghiệp về các cơ sở đào tạo và định hướng nghề cho sinh viên. Sở VH-TT&DL cũng đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép cho các cơ sở đào tạo nghề; kết nối với các doanh nghiệp trong việc trao đổi thông tin…
Bài và ảnh: THU HÀ