.

Đẩy mạnh thị trường nội dung số

.

Tuy phát triển sau ngành công nghiệp phần mềm, nhưng ngành nội dung số được xem là “làn gió mới” đem lại nguồn thu khả quan cho các doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin (CNTT) ở Đà Nẵng. Nhiều lĩnh vực của ngành nội dung số đã nhận được đơn đặt hàng của nước ngoài, tạo một số lượng lớn việc làm với thu nhập cao cho nguồn lao động trẻ của thành phố.

Khi thời đại của điện thoại thông minh “lên ngôi” sẽ tạo cơ hội cho các nhóm khởi nghiệp ở Đà Nẵng thử sức ở ngành nội dung số.
Khi thời đại của điện thoại thông minh “lên ngôi” sẽ tạo cơ hội cho các nhóm khởi nghiệp ở Đà Nẵng thử sức ở ngành nội dung số.

Tiềm năng lớn

Trong vài năm trở lại đây, ngành nội dung số có nhiều tiềm năng để phát triển khi các ứng dụng trên thiết bị di động cầm tay và mạng Internet ngày càng phổ biến rộng rãi. Đây còn được xem là ngành công nghiệp “không biên giới” khi nhiều lĩnh vực nội dung số chiếm lĩnh thị trường công nghệ như gia công dữ liệu số theo quy trình DN (BPO), thiết kế vi mạch, kiểm thử phần mềm, trò chơi trực tuyến...

“Hiện nay, thị trường nội dung số bùng nổ là nhờ đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Nhiều sản phẩm nội dung số chỉ ra đời trong thời gian ngắn nhưng đã hấp dẫn hàng nghìn người tham gia như trò chơi trực tuyến, đào tạo trực tuyến, mạng di động...

Trong tương lai gần, ngành công nghiệp nội dung số sẽ là nền tảng cho các chương trình ứng dụng CNTT, chương trình “Chính phủ điện tử”, chương trình tin học hóa nền hành chính của địa phương...”, ông Nguyễn Thế Quang, Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông FPT miền Trung cho hay.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng, tuy mới phát triển khoảng 5 năm trở lại đây nhưng ngành công nghiệp nội dung số đã đem lại tín hiệu khả quan cho nhiều DN CNTT trên địa bàn thành phố với doanh thu tăng trưởng ấn tượng.

Năm 2015, tổng doanh thu của ngành nội dung số đạt 49,3 triệu USD, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm 2014. “Nhiều DN tuy mới khởi nghiệp nhưng có mức tăng trưởng bình quân từ 80-100%/năm, trong khi đó ngành phần mềm tăng trưởng cao nhất cũng chỉ 50%/năm.

Doanh thu của ngành nội dung số thường lớn gấp 3 lần so với ngành phần mềm với việc làm quanh năm, tạo thị trường lao động bền vững cho ngành CNTT. Hiện nay, các điện thoại thông minh sử dụng những nền tảng như iOS, Android hay Windows Phone đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.

Khi thời đại của điện thoại thông minh “lên ngôi” sẽ tạo cơ hội cho các nhóm khởi nghiệp tại Đà Nẵng thử sức ở ngành nội dung số. Với hạ tầng mạng và thiết bị đầu cuối tốt, các nhóm khởi nghiệp dễ dàng tìm thị trường cho riêng mình thông qua việc ký kết hợp đồng với các DN, tập đoàn lớn ở nước ngoài”, ông Trần Mạnh Huy, Tổng Giám đốc Công ty V.B.P.O Đà Nẵng cho biết.
Tập trung cho thị trường trong nước

Theo Sở TT&TT, các DN kinh doanh nội dung số trên địa bàn thành phố đa số là DN vừa và nhỏ với số lượng nhân viên khoảng 150-200 người, chưa có DN tầm cỡ hay các tập đoàn lớn. Vì quy mô nhỏ nên hầu hết các DN chỉ nhận những đơn đặt hàng nhỏ lẻ của các đối tác trong và ngoài nước.

Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các DN Đà Nẵng trong việc đưa các sản phẩm thương hiệu Việt đứng vững trên thị trường. “Các đơn đặt hàng của đối tác cho thị trường nội dung số hiện nay đa phần là những đơn đặt hàng nhỏ, rất phù hợp với năng lực của DN CNTT ở Đà Nẵng.

Tuy nhiên, các DN địa phương khi làm hợp đồng với công ty nước ngoài thiếu sự tư vấn về mặt pháp lý nên tâm lý cứ có hợp đồng là được mà không nghĩ đến chất lượng hợp đồng đó ra sao. Điều này khiến DN địa phương chưa tạo được thương hiệu riêng.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là DN cần phải hướng đến những hợp đồng chất lượng hơn để có cơ hội vươn ra thị trường nước ngoài”, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho hay.

Hiện tại, nhiều DN nội dung số cho rằng, thị trường Đà Nẵng chưa đủ sức cạnh tranh với những “ông lớn” ở nước ngoài nên chủ yếu hướng đến thị trường trong nước. “Hiện là thời điểm rất khó khăn nếu các DN Việt đưa sản phẩm ra quốc tế để cạnh tranh, vì vậy, Gameloft tập trung vào thị trường trong nước vì không ai hiểu thị trường Việt Nam như người Việt Nam.

Các sản phẩm nội dung số quốc tế dàn trải cho tất cả thị trường nên đôi khi cách chơi và giải trí khác người Việt Nam. Vì vậy sản phẩm của Việt Nam sẽ đi sát với thị trường trong nước hơn. Tập trung cho thị trường trong nước được xem là giải pháp để các DN nội dung số ở Đà Nẵng có thể cạnh tranh với “những người khổng lồ” nhất thế giới ngay tại sân nhà.

Để cạnh tranh với nhiều trò chơi trực tuyến “đình đám” của các nước trong khu vực, Gameloft Sea luôn chú trọng chăm sóc khách hàng, liên tục cập nhật nội dung cho sản phẩm trò chơi ở mỗi thị trường”, ông Trần Xuân Vượng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Gameloft Sea tại Đà Nẵng chia sẻ.

“Để thị trường nội dung số phát triển tại Đà Nẵng thì cần phải có các cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo điều kiện thúc đẩy việc kinh doanh của DN, nhất là vấn đề tạo nguồn vốn cho các DN khởi nghiệp”, ông Trần Mạnh Huy cho hay.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.