Kinh tế

Doanh nghiệp phải sớm thích ứng

08:17, 27/01/2016 (GMT+7)

Việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thông qua với những cam kết về thị trường mới trong khối sẽ giúp các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, không phải chịu nhiều sức ép về luật và thuế. Tuy nhiên, để không bị đánh bật ra khỏi cuộc chơi, các doanh nghiệp Đà Nẵng cần phải có sự chuẩn bị kỹ về lâu dài.

Mù mờ và thiếu liên kết

Thông qua một số chương trình gặp gỡ, tọa đàm, phần lớn các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều thừa nhận chưa chuẩn bị kỹ càng để hội nhập. Không ít ý kiến nêu rằng, một phần do thông tin tiếp cận về AEC chưa có hệ thống, chủ yếu là qua phương tiện thông tin đại chúng.

Mặt khác, do DN chưa lường hết được những tác động và ảnh hưởng trực tiếp từ AEC, lâu dần tạo nên tâm lý “thôi thì tới đâu hay tới đó”. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố cho hay, hiểu biết của DN hiện nay về AEC không sâu lắm và những ảnh hưởng cụ thể ra sao thì vẫn còn lờ mờ. Mặc dù các DN đều cảm nhận được những thuận lợi và khó khăn khi hội nhập, song tâm lý chung là chờ xem diễn biến xảy ra như thế nào.

Gần đây, các nhà đầu tư ở khu vực ASEAN đã nhanh chân đến Đà Nẵng tìm hiểu thị trường trong khi đó những việc làm tương tự của DN chúng ta thì không đáng kể. Nỗi lo “ngôi nhà chung” (thị trường chung, lao động chung, sản xuất chung…) của các DNNVV Đà Nẵng thấp hơn so với các quốc gia lân cận.

Cùng sự lo lắng về tính chủ động trong hội nhập, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần chỉ rõ tác động trong từng lĩnh vực sẽ như thế nào, ảnh hưởng ra sao, bởi DN khi đi điều tra thì lơ mơ không quan tâm đến hội nhập, không nắm được thông tin hoặc không đủ thông tin.

Ông Hà Giang, Chủ tịch Hội DN quận Cẩm Lệ phát biểu: “Rất nhiều DN hiện nay cứ lo làm ăn. Việc quan tâm đến chế độ chính sách của Nhà nước, quan tâm đến hội nhập không nhiều, giỏi lắm là 30% số DN có quan tâm, có hiểu biết. Các tổ chức như VCCI, các sở, ban, ngành tổ chức hội thảo thì ít DN đến dự vì họ cứ nghĩ rằng, nghe cái chung chung làm chi, trong lúc cần cái cụ thể trước mắt. Hội đã nhiều lần vận động DN tham gia diễn đàn này, nhưng số tham dự chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

AEC ra đời, các nước sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam, nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa của các nước. Những DN có lợi thế xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, ngược lại những DN cạnh tranh yếu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gặp thách thức, khó khăn nghiêm trọng.

Nếu không có sự bảo hộ hay hỗ trợ từ phía Nhà nước, DN nhỏ và siêu nhỏ chắc chắn sẽ gặp khó. Đây là điều các DN hết sức lo lắng. Bà Phạm Thị Minh Trang, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Y tế Danameco nhìn nhận: “Vấn đề kết nối và chia sẻ thông tin giữa DN và các cơ quan liên quan chưa cao. Kể cả những DN của Đà Nẵng còn chưa biết nhau, chứ chưa nói gì đến liên kết để cùng tiêu thụ sản phẩm Việt trong nước ra nước ngoài. Nếu cứ an phận “người nào biết người đó trong kinh doanh” thì khi hội nhập chúng ta sẽ mất dần thị trường bán lẻ từ sữa, thực phẩm, rau, quả, mỹ phẩm cho đến thuốc tây… Đó cũng là lý do khi DN nước ngoài vào mình thì dễ mà mình sang người ta thì khó!”.

Không thể chần chừ

AEC sẽ giúp các DN mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi lớn, các DN cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Việc cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư của các nước ASEAN sẽ dẫn đến một số ngành, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Do vậy, DN sẽ phải chủ động tham gia thị trường lớn bằng việc tạo ra nhiều sản phẩm mới chất lượng.

Khi đề cập việc sản xuất và kinh doanh hàng giày dép thời trang, ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM BQ tự tin cho biết: “Tôi không ngại cạnh tranh, cho dù hiện nay có rất nhiều sản phẩm của Trung Quốc “tấn công” vào thị trường Việt Nam. Với lợi thế có sẵn hệ thống các cửa hàng của BQ ở Đà Nẵng và khắp cả nước, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thị trường của mình ra các nước Lào, Campuchia, Myanmar và hy vọng sản phẩm của mình sẽ được người tiêu dùng đón nhận bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh”.

Với kinh nghiệm nhiều năm xuất hàng thủy sản đi thị trường Đông Nam Á, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại tổng hợp Phước Tiến cho biết: Thị trường Đông Nam Á có tính tương đồng cao về nhu cầu tiêu dùng, thị hiếu khách hàng. Khi thị trường chung mở ra, lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản sẽ được hưởng lợi nhiều. Tuy nhiên, trước mắt cũng phải tháo gỡ những vướng mắc như tình trạng ô nhiễm gần bờ, cạn kiệt nguồn nguyên liệu, dẫn tới giảm sản lượng…

Trao đổi với đại diện các DN ở Đà Nẵng tại Hội nghị tổng kết Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI-Đà Nẵng), ông Vũ Tiến Lộc, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến nghị: DN Đà Nẵng hết sức cẩn trọng trong kế hoạch đầu tư trung và dài hạn.

Điều quan trọng là cần phải cải thiện năng lực quản lý, chú ý đến quy trình sản xuất, đảm bảo môi trường bền vững mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hơn lúc nào hết cần chú trọng quản trị DN, quản trị tài chính, đề phòng các biện pháp rủi ro; đồng thời phải tham gia cùng với chính quyền, xây dựng thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy DN hội nhập...

Trong điều kiện khó khăn, không nhiều DN của Đà Nẵng có thể tự vươn xa, vì vậy DN rất cần được trang bị những thông tin, kiến thức về hội nhập cũng như cải cách về mặt thể chế chính sách, mặt bằng sản xuất, vốn vay ưu đãi từ phía Nhà nước.

Xuân Duyên

.