Kinh tế
Nhọc nhằn thu gom rác thải nông thôn
Vất vả, hôi hám, thiếu bảo hộ lao động và các chế độ, chính sách là thực trạng mà những người thu gom rác thải nông thôn gặp phải trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Đình Thành (người kéo xe) và ông Nguyễn Văn Chiến đẩy xe đi từng nhà thu gom rác thải. |
Vất vả, nhọc nhằn
Cứ đều đặn 5 giờ sáng mỗi ngày, ông Nguyễn Văn Chiến và ông Nguyễn Đình Thành (trú thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến) thức dậy, chuẩn bị cho việc thu gom rác của ngày mới. Sau khi lót dạ bằng tô mì tôm, hai ông kéo chiếc xe ba gác rời nhà để làm nhiệm vụ. Trời bắt đầu hừng sáng, trước mỗi ngôi nhà, từng bao rác to đã được để sẵn.
Ông Chiến và ông Thành bê từng bao nặng trĩu đổ vào thùng. Rác bốc mùi hôi nồng nặc. Thỉnh thoảng rác rơi xuống đất, ông Thành lom khom lượm sạch. “Mình đã làm thì phải hết trách nhiệm, không qua loa, hời hợt để cho đường sá sạch đẹp”, ông Thành chia sẻ.
Rác dần đầy thùng, rác trên xe mỗi lúc thêm nặng trĩu, 2 ông phải gắng hết sức mới kéo đi được. Luồn qua con kiệt nhỏ, dốc, chiếc xe ba gác như muốn trôi dốc, hai ông lại phải gồng mình để đẩy xe, mồ hôi nhễ nhại.
Khuôn mặt nhem nhuốc vì bụi rác, chiếc áo lấm lem, ông Nguyễn Văn Chiến tâm sự: “Địa bàn rộng, nhiều kiệt dốc nên rất vất vả. Mỗi ngày, phải mất khoảng 5 chuyến đi thu gom để đưa về bãi trung chuyển thì mới hết rác toàn thôn. Hai người làm việc miệt mài nhưng cũng phải đến 2 giờ chiều mới xong. Hôm nào sớm cũng gần 1 giờ chiều. Những ngày nắng ráo còn thuận tiện, ngày mưa lạnh, đường trơn trượt, đôi lúc xe nghiêng, tuột dốc, rác đổ ra đường phải nhặt lại rất mất thời gian”.
9 giờ sáng, mặt trời lên cao. Dù cái nắng cuối đông yếu ớt nhưng cũng đủ để những người thu gom rác nông thôn nhễ nhại mồ hôi. 2 xe rác đầy, nặng lần lượt được ông Thành và ông Chiến kéo, đẩy ra bãi trung chuyển. “Thôn Yến Nê 1 có tới 500 hộ dân. Từ sáng đến giờ mới đi thu được nửa thôn, còn nửa thôn nữa. Vất vả lắm cháu ạ…”, ông Chiến chia sẻ.
Nói rồi hai ông tiếp tục đẩy xe đi đến từng nhà để gom rác thải cho kịp thời gian. Theo tính toán của hai ông, mỗi ngày thu gom rác phải đi bộ tổng quãng đường lên đến 10km. Chân mỏi, tay đau, thỉnh thoảng còn bị trầy xước do đụng phải rác. Tuy vậy, họ vẫn đều đặn tuần 3-4 buổi kéo, đẩy xe đi thu từng bao rác, thậm chí cả những đống rác của người dân để ven đường.
Những nỗi niềm
Hiện toàn huyện Hòa Vang có 86 người thu gom rác thải nông thôn. Tùy thuộc vào từng địa bàn mà phân bổ người thu gom rác. Có thôn thì một người thu, cũng có thôn 2 người. Đây là công việc tưởng chừng bình thường, nhưng thực chất rất vất vả và độc hại.
Ông Nguyễn Dũng (62 tuổi, thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) cho biết: “Thu gom rác ở nông thôn không như thành phố. Ở đây có khi người thu rác phải gom cả đống cành cây mà người dân tỉa trong vườn đem ra, có khi đụng phải xác một con heo, con chó, mùi hôi bốc nồng nặc, nhưng phải cố gắng để làm cho sạch môi trường nông thôn”.
Ông Dũng thuộc hộ nghèo, cuộc sống hết sức khó khăn. Ông cho biết, vợ bị bệnh hiểm nghèo, nên tuy già nhưng ông vẫn xin làm công việc này để kiếm thêm thu nhập, thuốc men cho vợ. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là gần hai năm thu gom rác, ông phải bỏ tiền túi để mua ủng, bao tay, khẩu trang để bảo vệ mình.
“Sau khi thu tiền rác đem nộp cho thôn, mình cũng kiếm được 1,7 triệu đồng/tháng. Số tiền cũng tạm để trang trải thuốc men cho vợ. Thời gian còn lại, mình tranh thủ kiếm thêm việc để làm”, ông Dũng nói.
Được biết, nhiều người không chịu được những khó khăn, vất vả cũng như không có các chế độ, chính sách nên đã bỏ việc. “Những người trước đây không chịu nổi khổ, hôi hám đã bỏ hết. Tôi và ông Thành là diện ít ỏi bám trụ lại được”, ông Nguyễn Văn Chiến (thôn Yến Nê 1) tâm sự. Sau khi thu tiền rác, nộp cho thôn, mỗi ông có thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng.
Đây là dạng thu nhập khá. “Cũng lâu lắm rồi, bọn tui mới được trang bị một bộ đồ bảo hộ lao động. Trước đây toàn phải bỏ tiền mua, xe hư cũng phải tự sửa. Mong muốn của chúng tôi là được trang bị thêm xe ba gác để hai người phân địa bàn, giảm thời gian làm việc, tranh thủ còn kiếm thêm việc khác để mưu sinh”, ông Chiến tâm sự.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Tấn Khoa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cho biết, những người thu gom rác ở nông thôn chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, được thôn hợp đồng thu gom rác.
Trên thực tế thì họ không có quyền lợi, chế độ gì, trong khi nghề này rất độc hại. “Biết khó khăn của họ, nên phòng vừa hỗ trợ cho họ bảo hộ lao động. Cái mà họ cần hiện tại là bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, kinh phí lớn nên lực bất tòng tâm. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng để họ có cái “Bảo hiểm y tế”, ông Khoa cho biết.
Ngoài sự vào cuộc của ngành Tài nguyên và Môi trường huyện, nên chăng, chính quyền xã cùng các nhà hảo tâm có những quan tâm, hỗ trợ để giúp đỡ những đối tượng này, nhất là dịp năm hết Tết đến để họ có thêm động lực làm việc, góp phần thực hiện đề án “Hòa Vang - huyện môi trường” trong tương lai.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ