Kinh tế

Kinh tế hợp tác xã còn nhiều khó khăn

14:17, 14/01/2016 (GMT+7)

Kể từ khi Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 có hiệu lực (tháng 7-2013) đến nay, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng ở Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo cơ hội cho kinh tế HTX phát triển. Tuy vậy, loại hình kinh tế tập thể này vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Tại vùng trồng hoa của HTX Hoa Nhơn Thọ.
Tại vùng trồng hoa của HTX Hoa Nhơn Thọ.

Số liệu từ Liên minh HTX thành phố, đến cuối năm 2015, trên địa bàn Đà Nẵng có 116 HTX, trong đó 80 HTX đang sản xuất, kinh doanh (SXKD), 36 HTX đã ngừng hoạt động và chỉ có 64 HTX là thành viên của Liên minh HTX thành phố.

Năm 2015, tổng doanh thu của loại hình kinh tế này là 318,8 tỷ đồng, lợi nhuận 8,7 tỷ đồng, đã thực hiện nghĩa vụ thuế Nhà nước 9,28 tỷ đồng. Các HTX đã và đang giải quyết việc làm cho hơn 31.000 lao động. Ngoài ra, còn có 208 tổ hợp tác, với 1.863 thành viên, giải quyết việc làm cho 4.200 lao động.

Để tạo cơ hội cho kinh tế HTX phát triển, chuyển đổi sang luật mới, hơn 2 năm qua, Liên minh HTX thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình, tuyên truyền, phổ biến Luật HTX năm 2012; tập huấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX...

Có 3 HTX đã vay 1,75 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; 2 HTX khác được Quỹ Đầu tư phát triển thành phố cho vay với lãi suất ưu đãi 3 tỷ đồng. Hơn 400 lượt cán bộ HTX được dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, 2 đoàn đi tham quan, học tập tại các địa phương trong cả nước...  

Nhiều chương trình, chính sách ưu đãi đã triển khai, song kinh tế HTX vẫn chuyển biến rất chậm. Số HTX làm ăn thua lỗ kéo dài dẫn đến ngừng hoạt động gia tăng. Tình trạng “hữu danh vô thực” trong kinh tế tập thể khá phổ biến.

Chủ trương chuyển đổi từ HTX kiểu cũ sang hoạt động theo Luật HTX 2012 chưa đạt kế hoạch. Đến nay, chỉ có 5 HTX hoàn thành chuyển đổi, trong khi đó, thời hạn cuối để các HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012 chỉ còn 6 tháng.

Có thể nói, kinh tế HTX ở Đà Nẵng giữ được nhịp độ như hiện nay là nhờ một số HTX có bề dày hoạt động hàng chục năm, chủ yếu ở lĩnh vực thương mại-dịch vụ và công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Đây là những HTX sản xuất, kinh doanh theo kiểu doanh nghiệp, như các HTX: Giấy Đồng Tâm, Giấy Thành Phát, Mây tre An Khê, Thương mại dịch vụ Hòa Cường, Mua bán An Hải Đông, Dịch vụ ô-tô vận tải Sơn Trà...

Một số HTX tuy mới thành lập nhưng phát triển được đều nhờ sự hỗ trợ rất lớn về kinh phí từ thành phố, như các HTX trồng hoa, sản xuất nấm ăn. Các HTX này, ngoài việc được tạo điều kiện về quỹ đất còn được hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ. Cụ thể như HTX SXKD Hoa Vân Dương (xã Hòa Liên), HTX SXKD Hoa Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), ngoài quỹ đất được giao từ 2,3ha đến 6ha, còn được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng.

Nhờ đó, các HTX này đã xây dựng vùng trồng hoa khá quy mô. Ông Nguyễn Huân, Phó Giám đốc HTX Hoa Nhơn Thọ cho biết: Nghề trồng hoa ở vùng này có từ lâu, nhưng mới khởi sắc kể từ ngày HTX thành lập và tiếp nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí thành phố. Hiện nay, HTX đang trồng 4.000 chậu cúc, 1.000 chậu ly ly, khoảng 3.000 cây phong lan cắt cành Mokara và nhiều loài hoa cao cấp khác.

Tuy vậy, hiện nay có không ít HTX được thành phố hỗ trợ nhưng không có khả năng phát triển, thậm chí nguy cơ giải thể. Đơn cử như HTX SXKD Nấm Hòa Tiến. Cách đây 3 năm, HTX được tổ chức KOICA của Hàn Quốc tài trợ 75.000 USD, chính quyền địa phương bố trí khu đất rộng 4.500m2 và hỗ trợ nhiều trang thiết bị.

Văn phòng, nhà trồng nấm rất khang trang, nhưng sản xuất quá èo uột.  Những năm qua, HTX liên tục bị thua lỗ, các thành viên bỏ về sản xuất tại gia, làm cho cơ ngơi HTX bỏ trống, lãng phí; số vốn góp của các thành viên hơn 110 triệu đồng, nay bị thua lỗ không biết lấy đâu bù vào.

Hoặc như HTX Nấm Xuân Thiều, chỉ qua ba, bốn vụ trồng nấm, nay cơ ngơi xác xơ, trống vắng. HTX Nấm Hòa Hiệp Bắc cũng lâm vào tình trạng tương tự...

Ngược lại với xu hướng trên, một số HTX gặp khó khăn do không được hỗ trợ về quỹ đất. Cụ thể như, HTX Nấm An Hải Đông, sau khi giải tỏa, thành phố có quyết định giao 3.000m2 tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đất, phải đi thuê đất sản xuất. Hoặc như HTX Điện nước Hòa Liên, nhiều năm nay phải thuê nhà dân làm văn phòng.

Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho biết: Trước đây, quỹ đất của HTX Nông nghiệp Hòa Liên 1 có hơn 3.000m2 tại thôn Quan Nam. Cách đây khoảng 20 năm, HTX đã hiến diện tích đất này để xây trường học. Khi HTX Điện nước Hòa Liên thành lập trên cơ sở mặt bằng HTX Nông nghiệp Hòa Liên 1 nhưng không còn quỹ đất nữa.

 Có thể nói, kinh tế HTX còn nhiều khó khăn. Chính quyền các cấp, cơ quan chức năng sớm có định hướng duy trì và phát triển để kinh tế HTX phát huy được thế mạnh vốn có của loại hình kinh tế đặc thù này.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

.