.

Nhà đầu tư tiềm năng

.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng tăng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, Nhật Bản hiện là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại thành phố với 96 doanh nghiệp, hàng chục văn phòng đại diện, tổng vốn đầu tư 498,643 triệu USD, trong đó Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa có số vốn đầu tư lớn nhất là 119 triệu USD.

Đây cũng là quốc gia có số dự án đầu tư vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông tin và truyền thông, sản xuất phụ tùng ô-tô, linh kiện điện tử, kinh doanh lữ hành quốc tế... đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của thành phố, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 35.000 lao động địa phương và các tỉnh lân cận.

Công nhân đang làm việc ở Công ty TNHH T.T.T.I (Nhật Bản).
Công nhân đang làm việc ở Công ty TNHH T.T.T.I (Nhật Bản).

Ông Shinichi Iwama, Chủ tịch Công ty TNHH Daiwa Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản – Chi hội Đà Nẵng cho biết, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng lan tỏa sâu rộng tại Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp đang đến Đà Nẵng để khảo sát, tìm hiểu, thỏa thuận và ký kết đầu tư.

Gần đây, đoàn Viện Nghiên cứu Nomura - Nhật Bản (NRI), Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) và các công ty nổi tiếng của Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ thông minh như Kandenko, Sekisui, Shimizu, PUES... đã có chuyến khảo sát môi trường đầu tư tại thành phố Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp đã bày tỏ mong muốn hợp tác với thành phố Đà Nẵng trong các dự án như xây dựng nhà tiết kiệm năng lượng (ZEB), xây dựng nhà thông minh, xây dựng và lắp đặt hệ thống điện bền vững, xây dựng tuyến xe buýt điện…

Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố cho biết, hiện có hàng chục doanh nghiệp Nhật Bản tiến hành khảo sát các dự án ở Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin, Khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản… Đà Nẵng có điểm mạnh nằm ở điểm cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, có cảng biển, sân bay quốc tế nên thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, giao lưu buôn bán; có sức hút lớn về du lịch khi nằm giữa các di sản thế giới và các bãi biển rất đẹp.

Sở Ngoại vụ thành phố, những năm gần đây, Đà Nẵng và các địa phương của Nhật Bản mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác trong nhiều lĩnh vực và được cụ thể hóa bằng việc ký kết bản ghi nhớ và triển khai quan hệ hợp tác hữu nghị với các thành phố Kawasaki, Sakai Yokohama, Mitsuke, Tokyo, Fukuoka... Thành phố Đà Nẵng cũng đang từng bước xúc tiến mở rộng quan hệ hợp tác, tiến tới ký kết biên bản ghi nhớ với các thành phố Nagasaki, Kobe…

Gần đây nhất, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng và Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 120 doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chọn Đà Nẵng là điểm đến đầu tư vì ngoài các chính sách ưu đãi, các thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn, cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện, Đà Nẵng còn có nguồn nhân công giá rẻ, nhân lực chất lượng cao, quy mô thị trường phát triển lâu dài… Đại diện Ngân hàng Ogaki, Nhật Bản cho biết: “Có mặt tại Việt Nam gần 10 năm nay, hiện nay ngân hàng đã lên kế hoạch chuyển hướng đầu tư vào Đà Nẵng. Bởi theo dự đoán, trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến làm ăn tại Đà Nẵng.

Một điểm rất đáng ghi nhận ở các doanh nghiệp Nhật Bản, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp được UBND thành phố tặng Bằng khen về hiệu quả đầu tư tại thành phố như: Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất lưới xuất khẩu Sadavi, Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa…

Bài và ảnh: Phương Uyên

;
.
.
.
.
.