Kinh tế
Sóng truyền hình ở Hòa Sơn chập chờn
Hơn nửa tháng nay, nhiều người dân ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) trong tâm trạng thắc thỏm vì chất lượng truyền hình số DVB-T2 bị chập chờn.
Dù đã điều chỉnh độ cao và hướng ăng-ten, thay ăng-ten quay để thu sóng tốt hơn nhưng do chất lượng vùng phủ sóng chưa bảo đảm nên việc thu xem truyền hình của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Dù nhà ở gần trạm phát lại Hòa Sơn, nhưng ti-vi nhà anh Thanh vẫn không bắt được tín hiệu sóng số. |
Hình ảnh “đứng sựng”
Kể từ ngày Đà Nẵng chính thức ngắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) để chuyển sang truyền hình số chuẩn vào đầu tháng 11 năm ngoái, người dân xã Hòa Sơn hết sức phấn khởi vì thu xem truyền hình với nội dung phong phú, chất lượng hình ảnh rõ nét hơn.
Do địa hình nằm trong vùng lõm sóng vì bị khuất núi nên Hòa Sơn là 1 trong 2 xã của huyện Hòa Vang được Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình quốc gia cho lắp đặt trạm phát lại sóng truyền hình số ở trạm BTS của VinaPhone tại thôn Xuân Phú.
Thế nhưng, theo phản ánh của người dân xã Hòa Sơn, chỉ khoảng 2 tháng đầu sau khi thành phố ngắt sóng analog, việc thu xem truyền hình số bảo đảm, nhưng khoảng nửa tháng trở lại đây, chất lượng sóng số bị giảm dần.
Sáng 19-1, chúng tôi tìm đến thôn Xuân Phú, nơi gần trạm phát lại sóng truyền hình số DVB-T2 nhất, nhiều hộ dân ở đây phản ánh đã hơn nửa tháng nay không xem được ti-vi vì hình ảnh bị “đứng sựng” cả tiếng đồng hồ hoặc không bắt được tín hiệu sóng số.
Thậm chí, có những hộ chỉ cách trạm phát lại chưa đầy 1km nhưng chất lượng thu xem truyền hình số vẫn bị chập chờn. Nhiều hộ dân nằm trong diện hỗ trợ đầu thu theo chuẩn hộ nghèo phải tự bỏ tiền mua ăng-ten quay để thay ăng-ten của nhà thầu, nhưng vẫn không bắt được tín hiệu sóng số.
Theo ông Võ Văn Kỳ, Trưởng thôn Xuân Phú, cả thôn có hơn 300 hộ/430 hộ dùng đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 để thu xem truyền hình, thế nhưng 80% trong số đó chất lượng sóng bị chập chờn hoặc bị mất tín hiệu.
“Nhiều hộ dân có gọi thợ điện ở thôn đến sửa chữa, lắp đặt lại ăng-ten nhưng họ nói là do công suất của trạm phát lại yếu chứ không phải do ăng-ten hay đầu thu. Chúng tôi cũng phản ánh lên UBND xã nhưng cả tuần rồi vẫn chưa thấy xã trả lời”, ông Kỳ nói.
Tại thôn Phú Thượng, nhiều người dân nằm trong diện được hỗ trợ đầu thu cũng cho biết, ti-vi nhà họ nhiều ngày qua không bắt được tín hiệu của đài địa phương, điều khiển đầu thu bị hư nhưng cũng không biết kêu ai.
“Khi lắp đặt đầu thu cho người dân, phía kỹ thuật không hướng dẫn bà con tận tình nên khi gặp sự cố người dân cũng không biết hỏi ai”, ông Lê Văn Trinh, Trưởng thôn Phú Thượng cho hay.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Sáng ngày 19-1, trao đổi với chúng tôi về việc chất lượng sóng truyền hình số DVB-T2 ở nhiều thôn trong xã bị chập chờn hơn nửa tháng qua, ông Nguyễn Duy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: “Chúng tôi đã báo lên huyện trong cuộc họp giao ban khoảng 1 tuần trước thế nhưng chưa thấy huyện trả lời. Vì người dân gọi điện báo lên UBND xã chứ không gửi công văn nên phía xã vẫn chưa làm công văn để gửi lên huyện. UBND xã chỉ có trách nhiệm tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân gửi lên huyện còn việc khắc phục do đơn vị quản lý trạm phát lại và Sở Thông tin-Truyền thông giải quyết”.
Theo ông Phương, hiện xã Hòa Sơn có 5 thôn gồm Xuân Phú, Phú Thượng, Phú Hạ, Đại La và Hòa Khê có chất lượng sóng truyền hình số bị chập chờn.
Chiều 19-1, chúng tôi gọi điện cho UBND huyện Hòa Vang trao đổi việc có tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân xã Hòa Sơn về chất lượng thu xem sóng truyền hình số bị chập chờn trong nửa tháng qua, ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, đến nay vẫn chưa nhận thông tin đó.
“Huyện sẽ cho người kiểm tra lại vùng phủ sóng ở xã Hòa Sơn, sau đó sẽ gửi công văn cho UBND thành phố và Sở Thông tin-Truyền thông”, ông Dũng cho hay.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, đại diện Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho hay, có những điểm người dân kêu không thu được sóng số do lõm sóng là có 2 trường hợp xảy ra: Hoặc là người dân chưa quay đúng hướng ăng-ten do chưa có kinh nghiệm hoặc chưa biết cách dò kênh.
“Tại trạm phát lại Hòa Sơn, chúng tôi thường xuyên cho người theo dõi, đo sóng số nhưng do thời điểm cận Tết, công việc bận rộn nên khoảng 2 tuần qua vẫn chưa cho người kiểm tra trạm phát lại. Trong ngày 20-1, chúng tôi sẽ cho người kiểm tra chất lượng phủ sóng tại trạm phát lại Hòa Sơn để đảm bảo việc thu xem truyền hình của người dân”, ông Phạm Phú Phong, Trưởng phòng Quản lý phát sóng miền Trung của Trung tâm Kỹ thuật truyền dẫn phát sóng VTV, nói.
Ông Phong cũng cho biết, thời gian tới, VTV sẽ lắp đặt hệ thống giám sát để theo dõi trạm phát lại Hòa Sơn 24/24, chứ không cử người đến theo dõi như lâu nay, vừa mất thời gian vừa bất tiện.
Dân không biết đường dây nóng về số hóa truyền hình Ông Nguyễn Hoàng Cẩm, Phó Giám đốc Sở Thông Tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết: “Khi Đà Nẵng chuẩn bị ngắt sóng analog, sở đã tuyên truyền cũng như tổ chức tập huấn đến các thôn, tổ dân phố; giới thiệu về số tổng đài 0511.1022 để người dân được biết. Nếu người dân thắc mắc về việc thu xem sóng số hoặc chất lượng đầu thu DVB-T2 thì có thể liên hệ số tổng đài 0511.1022 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời”. Thế nhưng, phóng viên cung cấp số điện thoại 0511.1022 là đường dây nóng kênh hỗ trợ giải đáp về truyền hình số mặt đất ở Đà Nẵng thì nhiều người dân ở xã Hòa Sơn lại không hề hay biết. |
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN