.

Thị trường Tết: nhiều mặt hàng tăng giá

.

ĐNĐT - Quan niệm quanh năm chỉ có ba ngày Tết nên nhà nhà phải sắm sửa đủ đầy để mong sung túc cả năm, giá cả vì thế cũng đua nhau tăng theo tâm lý, dù nhu cầu và sức mua thực tế không quá “nóng”.

Dù thời tiết rất lạnh, các chợ vẫn tấp nập người mua, kẻ bán
Dù thời tiết rất lạnh, các chợ vẫn tấp nập người mua, kẻ bán

“Đông như chợ 30 Tết”, quả thực vậy, ngày cuối cùng của năm cũ, hoạt động mua bán tại các chợ bao giờ cũng sôi động và tất bật. Trong cái không gian ồn ã đó, người mua – kẻ bán chen lấn, trả giá vội vàng như muốn nhanh chóng kết thúc năm cũ. 

Đã thành quy luật, những ngày cận Tết, áp Tết giá cả các mặt hàng, nhất là thực phẩm luôn tăng do nhu cầu đổ xô mua sắm vào cùng một thời điểm. Có thể thấy, hàng loạt mặt hàng tăng từ 10-20%, thậm chí 50% so với ngày thường như cá, thịt hải sản, rau, củ, quả, đồ cúng...

Bất cứ mặt hàng nào cũng bị nâng giá, từ trái cau 5.000 đồng, đến mâm ngũ quả (gồm mẵng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung) phải lên tới vài ba trăm ngàn đồng.

Một chục hoa lay ơn thờ ở chợ Hàn, chợ Thanh Khê giá dao động từ 40-80.000 đồng, thịt mông từ 120-130.000 đồng/kg, (thịt bình ổn của Công ty TNHH Đắc Vinh giá chỉ 100.000 đồng, nhưng không còn để bán), thịt bò 280-320.000 đồng/kg, tôm vừa từ 260-320.000 đồng/kg, chả heo 200-220.000 đồng/kg, chả bò 320-340.000 đồng/kg, bánh chưng 40-50.000 đồng/cái…

Hàng hóa trên thị trường Đà Nẵng năm nay phong phú, dồi dào ở tất cả các nhóm hàng, ngành hàng. Nhờ có sự chuẩn bị tốt của giới kinh doanh, hệ thống phân phối, nhà bán lẻ từ sớm nên không có chuyện khan hàng, thiếu hàng.

Sáng 29 Tết siêu thị BigC, Co.opMart vẫn còn đông khách mặc dù chỉ vài giờ đồng hồ nữa là đóng cửa.
Sáng 29 Tết siêu thị vẫn đông khách mặc dù chỉ vài giờ đồng hồ nữa là đóng cửa.

Điều đáng mừng, đã qua rồi cái thời mua gì cũng phải chạy ra chợ, nhiều năm nay, sự tham gia của mạng lưới bán lẻ trên khắp địa bàn đã giúp cho “cơn sốt” giá cả được kìm xuống bởi sự cạnh tranh rất rõ.

Năm nay tốc độ mua sắm hàng hóa của người dân tăng lên. Nhìn vào lượng người và hàng hóa tại các chợ và siêu thị sẽ thấy rõ. Sáng 29 Tết siêu thị BigC, Co.opMart vẫn còn đông khách mặc dù chỉ vài giờ đồng hồ nữa là đóng cửa. Mỗi người đi mua sắm đều chọn xe đẩy to để chở hàng, khiến lối đi càng trở nên chật chội, ùn tắc.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết, các siêu thị chuẩn bị lượng hàng lớn, tăng 15% so với năm  ngoái. Riêng siêu thị BigC chuẩn bị nguồn hàng khoảng 430 tấn thịt gia súc, gia cầm, 2.500 tấn rau, củ, quả… liên tục cung ứng đến trưa ngày 29 tết. Các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia… sản xuất trong nước chiếm ưu thế. Tại hệ thống siêu thị này, mặt hàng bánh kẹo Việt chiếm 90% đến 95%, các chương trình khuyến mãi giảm giá sâu đều ưu tiên cho dòng sản phẩm trong nước.

Siêu thị phải tăng cường các quầy tính tiền phục vụ khách hàng
Siêu thị phải tăng cường các quầy tính tiền phục vụ khách hàng

Năm nay, đa số người tiêu dùng đều chọn siêu thị để mua sắm nhằm tranh thủ các đợt khuyến mãi giảm giá đến 49% cho những mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết. Do lượng khách đông, lối đi luôn ùn tắc, việc mua sắm và thanh toán khá vất vả nên nhân viên tính tiền của siêu thị phải làm việc hết công suất, tất cả các quầy thu ngân đều được mở để thanh toán cho khách được nhanh chóng hơn.

Với Big C, những ngày qua mở cửa đến 12 giờ đêm; Intimex mở cửa đến ngày 29 Tết và mở cửa lại sớm vào ngày mùng 2 Tết; Co.opmart  đến 12 giờ trưa 29 Tết và mùng 2 Tết hoạt động trở lại. Riêng các chợ, theo các ban quản lý, các chợ chỉ đóng cửa khi nào hết khách hàng và có biện pháp để đảm bảo tài sản cho tiểu thương.

Vì thế, trong ngày mồng 1 Tết nếu tiểu thương có nhu cầu “mở hàng” lấy ngày thì ban quản lý chợ vẫn mở cửa để phục vụ nhu cầu mua bán. Như vậy, việc mua sắm Tết sẽ diễn ra từ trước, trong và sau Tết sẽ giúp người dân vui vẻ ăn Tết kéo dài mà không phải còn âu lo về chuyện thiếu thực phẩm, hàng hóa…

Bài và ảnh: Duyên Anh
 

;
.
.
.
.
.