.

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động

.

Mấy ngày gần đây, trên địa bàn Đà Nẵng, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động. Theo đó, mức lãi suất huy động tăng từ 0,1 - 0,5% tùy theo từng gói kỳ hạn.

Lãi suất huy động tăng, người dân gửi tiền dài hạn vui nhưng doanh nghiệp lo lắng.
Lãi suất huy động tăng, người dân gửi tiền dài hạn vui nhưng doanh nghiệp lo lắng.

Lãi suất tăng, doanh nghiệp lo lắng

Tại Sacombank, Chi nhánh Đà Nẵng, trong 2 ngày nay, lãi suất huy động tăng lên 0,1 - 0,2%. Tuy nhiên, theo đại diện ngân hàng, mức tăng này nằm trong dự đoán của Sacombank từ đầu năm. Sacombank cho biết, ngân hàng tăng lãi suất huy động chủ yếu ở kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 15 tháng, các kỳ ngắn hạn giữ mức bình thường.

Tại Vietcombank, Chi nhánh Đà Nẵng, đại diện ngân hàng cũng cho biết, lãi suất tại ngân hàng cũng có tăng lên. Theo đó, so với lãi suất cũ, đợt này, lãi suất tăng từ 0,3 - 0,5% theo từng kỳ hạn, trong đó, cao nhất ở kỳ hạn 6 tháng và trên 12 tháng.

Theo các ngân hàng, nguyên nhân tăng lãi suất lần này để huy động tiền nhàn rỗi trong dân cư, mặt khác, tăng tính cạnh tranh với các ngân hàng khác và giữ chân khách hàng. Việc tăng lãi suất lần này không chỉ có lợi cho khách hàng mà có lợi cho ngân hàng trong việc tính toán xây dựng kế hoạch nguồn vốn vay.

Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động khiến các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn có tâm lý lo ngại. Theo các DN, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động sẽ kéo theo việc gia tăng lãi suất cho vay, dù ít dù nhiều cũng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của DN.

Theo ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, năm 2016 được xem là thời điểm hội nhập, các DN đã và đang chuẩn bị về nhân lực, khoa học công nghệ, trang thiết bị… để gia tăng khả năng cạnh tranh. Vậy nên, nếu ngân hàng tăng lãi suất trong thời điểm này sẽ gây áp lực cho DN.

Thời gian tới, lãi suất cho vay nếu có tăng, cộng đồng DN cũng mong muốn tăng trong khung hợp lý, vừa phải. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng cho rằng, việc ngân hàng tăng lãi suất huy động, sớm muộn gì cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Vậy nên DN không khỏi lo lắng.

Tăng lãi suất huy động chỉ là tạm thời

Trong bối cảnh các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, đây chỉ là bước tăng tạm thời để ngân hàng dự trù nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho nhân dân và DN.

Vì thế, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ có các biện pháp điều tiết lãi suất tăng ở mức hợp lý. Đến nay chưa thể nói việc tăng lãi suất tại các ngân hàng đã tạo ra một “cuộc đua”, song, các ngân hàng cũng đang có những giải pháp cạnh tranh để giữ chân khách hàng của mình.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong 2016, kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu vốn tăng cao, lãi suất theo đà đó cũng tăng mạnh lên, do đó lãi suất huy động sẽ khó giảm. Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đang được Ngân hàng Nhà nước công bố để lấy ý kiến, các ngân hàng thương mại được phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ tối đa là 40% thay vì 60% như hiện nay. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn trung, dài hạn lần này.

Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cho biết, khi lãi suất huy động tăng lên, lãi suất cho vay cũng sẽ có xu hướng thay đổi theo chiều hướng tăng. Song, ngân hàng sẽ cân đối điều chỉnh mức tăng phù hợp.

Bài và ảnh: Thanh Tình

;
.
.
.
.
.