Kinh tế
Thủy điện thiếu nước, hạ du gặp khó
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ năm 2015 đến nay, các hồ thủy điện thiếu nước nghiêm trọng dẫn đến việc điều tiết nguồn nước tại các sông không đảm bảo, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp tại vùng hạ du thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Nhiều hồ chứa của thủy điện thiếu nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ở hạ du tại Đà Nẵng và Quảng Nam. ảnh: NGỌC PHÚ |
Đó là thông tin được các đại biểu đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường với UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 3-3 tại thành phố Đà Nẵng.
Thủy điện thiếu nước nghiêm trọng
TS Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, hiện trên khu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 6 hồ thủy điện, tổng công suất đạt 870MW, với dung tích hữu ích là 1,18 tỷ m3, ứng dụng điện năng sản xuất khoảng 519 triệu kWh; trong đó có 4 hồ chứa lớn, có khả năng điều tiết, đáp ứng các nhu cầu nước hạ du là A Vương, Đak Mi 4, Sông Tranh và Sông Bung 4. Trong năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều hồ thủy điện trên cả nước trong suốt mùa mưa không xuất hiện lũ, trong đó có A Vương, Sông Bung 4...
Trong các tháng đầu năm 2016, hiện tượng El Nino vẫn kéo dài, kéo theo tình hình thủy văn tại hầu hết các hồ chứa khu vực miền Trung, miền Nam tiếp tục kém. Để đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô 2016, các nhà máy thủy điện trên các khu vực chỉ vận hành theo ràng buộc nước hạ du.
Điển hình như đối với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ vận hành đáp ứng yêu cầu hạ du theo Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính phủ vận hành liên hồ chứa và yêu cầu của địa phương. “Mặc dầu vậy, đến ngày 1-3-2016, mực nước các hồ này vẫn khá thấp, trong đó hồ A Vương thấp hơn so cùng kỳ năm 2015 là 5,7m, thấp hơn mực nước tối thiểu của quy định liên hồ chứa 3,64m”, ông Cường nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, tính đến 0 giờ ngày 1-3-2016, hồ chứa của A Vương chỉ tích được 182,8 triệu m3 dung tích hữu ích (đạt 68,6% so với dung tích hữu ích của hồ chứa) và còn thiếu gần 85 triệu m3 so với mực nước dâng bình thường. Các hồ chứa của Sông Bung 4, Đak Mi 4, Sông Tranh cũng thiếu nước nghiêm trọng so với mực nước dâng bình thường.
Với nguồn nước dự trữ như hiện tại dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ xảy ra ngay từ giữa vụ đông xuân 2015 - 2016 và kéo dài đến vụ hè thu 2016.
Ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, nước tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn 24 ngày, một phần do tác động của biến đổi khí hậu, một phần do các thủy điện vận hành chưa đúng quy trình liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Nhiễm mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 900.000 hộ dân và 800ha đất nông nghiệp của Đà Nẵng.
Trong khi đó, ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều con sông lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như sông Trường Giang, Thu Bồn... đang bị nhiễm mặn.
Việc mặn xâm nhập sớm gây lo ngại cho việc tưới tiêu hàng ngàn hecta lúa đông xuân và cấp nước sinh hoạt cho người dân, mà nguyên nhân chính là do thủy điện không xả nước về hạ du theo đúng quy trình...
Cần luân phiên vận hành hồ chứa thủy điện
Trước thực trạng nguồn nước hạ du tại tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thiếu hụt nghiêm trọng, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị vận hành hồ chứa phải phù hợp với yêu cầu thực tế của hạ du; đồng thời, xây dựng cơ chế cho các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vận hành phát điện luân phiên trong ngày với lưu lượng nước ổn định để lượng nước về và mực nước hạ du ổn định, tránh thay đổi đột ngột.
Đặc biệt, phải có biện pháp an toàn vận hành trong mùa lũ, tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân và cần sớm xây dựng kế hoạch lắp đặt hệ thống camera tự động giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu về các bộ, ngành và đơn vị liên quan.
Ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, để đảm bảo việc cung cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2016 kết hợp với việc vận hành các hồ thủy điện hiệu quả, các đơn vị cần bám vào khung quy trình để vận hành xả lũ và giữ nước. “Chúng ta cần xây dựng nhiều phương án đề phòng các tình huống xảy ra, theo dõi thường xuyên”, ông Bẩy nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trăn trở: “Chưa năm nào tình trạng thiếu nước lại nghiêm trọng như bây giờ. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, dự báo từ nay đến tháng 9-2016, hạn hán xảy ra trên diện rộng nên nguồn nước sẽ rất hạn chế. Vì vậy phải dựa trên quy trình để đảm bảo nguồn nước cho hạ du và đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị chủ các nhà máy thủy điện, các hồ chứa tập trung thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ. Trong công tác vận hành, các nhà máy thủy điện cần có sự phối hợp chặt chẽ, phải có quy trình cụ thể trong các mùa lũ và mùa khô. Các địa phương cũng phải theo dõi diễn biến thời tiết để có cách điều phối. Riêng các hồ chứa phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong thực hiện vận hành nguồn nước, tránh chồng chéo, gây lãng phí.
NGỌC PHÚ