Kinh tế

Doanh nghiệp phải chủ động hội nhập

08:29, 01/03/2016 (GMT+7)

Thời gian chuẩn bị cho việc hội nhập không còn nhiều khi hàng loạt các hiệp định thương mại (FTA) giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới được ký kết trong năm 2015, đã và sẽ có hiệu lực.

Trong đó, có một số hiệp định quan trọng như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại Á – Âu... sẽ tác động rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.

Các cơ sở sản xuất của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu về môi trường làm việc theo TPP.  Trong ảnh: một phân xưởng may của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.
Các cơ sở sản xuất của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu về môi trường làm việc theo TPP. Trong ảnh: một phân xưởng may của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.

Lỡ nhịp với ASEAN

Cộng đồng kinh tế ASEAN có hiệu lực ngay từ những ngày đầu năm 2016. Thế nhưng, gần 2 tháng qua, hầu như các doanh nghiệp (DN), các nhà quản lý vẫn chưa quan tâm lắm điều này. Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, các DN Việt Nam bỏ ngỏ thị trường trong khối ASEAN, chỉ chú tâm đến các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU…

Kết quả là năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường châu Á đạt 79,8 tỷ USD, tăng 7,2%, trong đó xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 18,3 tỷ USD. Tại Đà Nẵng gần như chỉ có Công ty CP Cao su Đà Nẵng là có mối quan hệ mở rộng với các nước trong khu vực ASEAN.

Nhờ chi phí vận chuyển rẻ và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nên nhiều sản phẩm của công ty được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong khu vực. Điều này cho thấy, nhiều DN của thành phố đang lỡ nhịp với ASEAN.

Trong khi đó, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã chuẩn bị cho việc này ngay sau khi ý tưởng thành lập Cộng đồng ASEAN và Cộng đồng kinh tế ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 6 (tại Hà Nội tháng 12-1998). Sau một thời gian ngắn, các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines... đã đưa việc dạy tiếng Việt vào giảng dạy ở các trường đại học và trường phổ thông.

Bằng chứng là những ngày đầu năm 2016, thời điểm mà Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập (ngày 31-12-2015), đã có rất nhiều đoàn chuyên gia, các DN của các nước trong khu vực đã đến tìm hiểu cơ hội làm ăn với Việt Nam.

Đặc biệt, khu chế xuất đầu tiên của thành phố (An Đồn) - nay là một trong những khu công nghiệp của Đà Nẵng, do người Malaysia đầu tư. Riêng DN Thái Lan đã có quan hệ làm ăn với Việt Nam từ lâu với nhiều lĩnh vực ở một số trung tâm lớn của cả nước, các DN của Thái Lan đã có những thị phần nhất định. Hệ thống siêu thị bán lẻ BigC có nguy cơ “về tay” DN của Thái Lan.

Tương lai doanh nghiệp tự quyết định

Ngoại trừ một số ngành như dệt may, chế biến thủy hải sản… có sự chuẩn bị từ trước, còn lại các ngành khác, kể cả các nhà quản lý, chưa hề có động tĩnh gì để hội nhập, hoặc hỗ trợ các DN hội nhập. Các chuyên gia kinh tế của Bộ Công thương đã đưa ra một con số rất đáng suy nghĩ.

Qua khảo sát của Bộ Công thương, có tới trên 30% các DN chưa biết gì về các FTA đã được ký kết. Đặc biệt hơn, số các cán bộ, các nhà quản lý không biết, không hiểu gì về các FTA này còn nhiều hơn. Sở Công thương, mặc dù đã có một số hoạt động nhằm hỗ trợ các DN hội nhập, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định, nhưng tần suất các buổi học tập, tuyên truyền cũng khá hạn chế, vì không có kinh phí.

Gần đây, nhiều DN lớn đã quan tâm hơn đến việc gia nhập các FTA, song thực tế, số DN “biết lo xa” chưa nhiều và mới chỉ tập trung chủ yếu vào các DN sẽ bị cạnh tranh trực tiếp khi hàng hóa của các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam như: ngành sản xuất thép, vật liệu xây dựng, ngành bán lẻ và thực phẩm…

Nhưng giải pháp nào để các DN vượt qua và trụ lại được trên thị trường vẫn là câu hỏi đang chờ định hướng từ phía các cơ quan chức năng, quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ điều chỉnh để tạo ra hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ DN hội nhập và phát triển dựa trên cơ sở là luật pháp Việt Nam và các nước sở tại, để DN tự xây dựng kế hoạch phát triển cho mình. Tương lai của DN phải do chính DN quyết định.

Từ thành công của Công ty CP Cao su Đà Nẵng và nhiều DN trong ngành dệt may, chế biến hải sản trong việc tìm kiếm thị trường, đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu vào các nước ký FTA trong thời gian qua là bài học cho các DN trong việc hội nhập.

Bài và ảnh : Đức Thịnh

 

.