.

Cá chết dọc biển miền Trung: Đà Nẵng kiểm tra mẫu nước biển

.

Trước tình hình cá chết dọc biển miền Trung do nhiễm độc tố và một số cá chết trôi dạt vào bờ biển Đà Nẵng, các ngành chức năng thành phố đã vào cuộc kiểm tra, xác minh, lấy mẫu nước biển để kiểm tra.

Ngư dân từ Đà Nẵng đến Bình Định vẫn ra khơi.  Trong ảnh: Ngư dân xay đá tại Âu thuyền Thọ Quang vào sáng 27-4 chuẩn bị ra khơi.
Ngư dân từ Đà Nẵng đến Bình Định vẫn ra khơi. Trong ảnh: Ngư dân xay đá tại Âu thuyền Thọ Quang vào sáng 27-4 chuẩn bị ra khơi.

17 con cá chết trôi dạt vào biển Đà Nẵng

Chiều 27-4, Tổ công tác thông tin báo chí thành phố Đà Nẵng đã có thông báo kịp thời đến các cơ quan báo chí. Theo đó, về tình hình cá chết ở biển Đà Nẵng, Tổ công tác thông tin báo chí cho biết, trong 5 ngày qua, theo phản ánh của một số người dân về việc có cá chết trôi dạt vào Bãi Đa (bán đảo Sơn Trà) và bờ biển Đà Nẵng, Sở NN&PTNT thành phố đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản cử cán bộ đi thực tế kiểm tra tại các khu vực. Kết quả, có 17 con cá chết trôi dạt vào bờ trong tình trạng đã phân hủy mạnh. Khu vực Bãi Đa (bán đảo Sơn Trà): 1 cá nóc nhím, 1 cá dìa, 1 cá mó chết trôi dạt vào bờ. Khu vực ven biển từ Thọ Quang - Hòa Hải: 3 cá chình, 1 cá dò, 1 cá dìa, 4 cá bò da, 1 cá nhói, 1 cá đuối, 3 con cá nhồng.

Các ngư dân và người dân cho biết, trong mấy ngày qua, số cá trên bị chết (trong tình trạng đã phân hủy) trôi dạt vào bờ là bình thường. Nguyên nhân có thể do trong quá trình khai thác của ngư dân, một số cá thể bị thương ngoài biển, các tàu cá thu hồi ngư cụ bị thất thoát cá dẫn đến một số loài cá bị chết, lâu ngày dạt vào bờ. Đối với các hộ nuôi lồng, bè hiện nay vẫn hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin về việc cá biển chết trôi dạt vào bờ biển các tỉnh Bắc miền Trung, tâm lý chung của người dân có chút e ngại khi ăn cá biển, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm khai thác tại các chợ giảm mạnh. Việc tiêu thụ sản phẩm khai thác của các tàu hiện gặp khó khăn do sản phẩm bán tại chợ Đầu mối (tiêu thụ nội địa) giảm mạnh nên doanh thu của các tàu cũng giảm theo (giá bán sản phẩm cân xô cho nhà máy giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với bán tại chợ Đầu mối).

Hiện nay, Sở NN&PTNT thành phố tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp với các địa phương, các cơ quan liên quan và bà con ngư dân tiếp tục theo dõi tình hình để kịp thời báo cáo Sở NN&PTNT.

Sẽ công bố kết quả kiểm tra mẫu nước biển

Sáng 27-4, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố), Sở VH-TT&DL tiến hành lấy mẫu nước biển để kiểm tra. Ông Đặng Quang Vinh, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, đã gửi mẫu nước biển đến Trung tâm Kỹ thuật môi trường để phân tích, khi có kết quả sẽ công bố để người dân yên tâm…

Trong khi đó, trước những nghi ngại của người dân, sáng 27-4, Chi cục Thủy sản Đà Nẵng đã kiểm tra tình hình dọc các bãi biển Đà Nẵng và Nguyễn Tất Thành. Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, đoàn kiểm tra phát hiện một vài con cá đã chết nhiều ngày dạt vào bờ, nhưng đây có lẽ chỉ là những con cá do vướng lưới của ngư dân rồi đuối sức mà chết. Theo ông Khánh, các hộ nuôi cá bằng lồng bè vẫn nuôi bình thường. Chi cục sẽ tiếp tục nắm thông tin vụ việc sát sao…

Chiều 27-4, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Kỹ thuật môi trường, Thanh tra môi trường tiếp tục kiểm tra thực tế tại các bãi biển. Theo đó, các đoàn tiến hành kiểm tra dọc biển Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Xuân Thiều, Nam Ô và Bãi Rạng. Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng Kiểm soát môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường) cho biết, ghi nhận thực tế trong buổi chiều bình thường, không phát hiện thêm con cá nào chết bất thường. Sáng nay (28-4), Chi cục sẽ tiếp tục kiểm tra thực tế tại các bờ biển nói trên.

Ngư dân vẫn ra khơi

Mặc dù quan ngại trước việc hải sản tiêu thụ gặp khó nhưng ngư dân vẫn ra khơi. Sáng 27-4, tại các cầu cảng của Âu thuyền Thọ Quang, khá nhiều tàu của ngư dân các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định ghé vào các nhà máy để bốc đá. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng trăm cây đá từ các nhà máy đá Văn Thông, Sơn Trà, Thiện… “chảy” xuống các tàu.

Nước uống, lương thực, thực phẩm cũng được các chủ tàu đưa lên tàu khẩn trương để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Một chủ tàu Quảng Ngãi bộc bạch: “Thông tin cá chết dọc biển miền Trung thời gian qua ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người dân cũng như ngư dân chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đánh bắt ở các vùng biển xa nên các đầu nậu vẫn tin tưởng để thu mua, chúng tôi cũng yên tâm ra khơi”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.