Thời gian qua, trên địa bàn thành phố, nhiều hợp tác xã (HTX) được thành lập dựa trên các tổ hợp tác, qua đó, gắn kết được các thành viên, đem lại hiệu quả trong sản xuất. HTX Dịch vụ hậu cần và khai thác nghề cá Hải Nhi (gọi tắt là HTX Hải Nhi) phường Thuận Phước, quận Hải Châu là một điển hình.
HTX Hải Nhi được thành lập năm 2015 trên cơ sở Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ số 1 thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hải Nhi – anh Lê Văn Sang cho biết, tổ được thành lập từ năm 2012 có 4 thành viên, với nhiệm vụ thu mua hải sản trên biển, cung cấp lương thực, thực phẩm cho ngư dân miền Trung. Quá trình hoạt động đã mang lại hiệu quả cao, ngư dân yên tâm bám biển; các lao động có thu nhập khá. Tuy nhiên, tổ vẫn còn mang tính nhỏ lẻ. Để tập hợp nhiều hơn nữa các thành viên, tổ dịch vụ chủ trương thành lập HTX mang tên Hải Nhi, gồm 7 thành viên sáng lập.
Thành viên của Hợp tác xã Hải Nhi thu mua hải sản trên biển. |
Từ khi hình thành HTX, quy mô hoạt động lớn và chuyên nghiệp hơn. Hằng ngày, các tàu hậu cần luân phiên ra biển để thu mua hải sản cho ngư dân tại vùng biển miền Trung và vịnh Bắc Bộ; cung cấp dầu, lương thực, thực phẩm, đá, nước uống, thuốc men cho ngư dân yên tâm đánh bắt.
Năm 2015, 7 tàu dịch vụ hậu cần của HTX đã thu mua hơn 5.000 tấn hải sản các loại; cung cấp hàng chục tấn dầu, lương thực, thực phẩm cho ngư dân; qua đó cho thu nhập mỗi lao động từ 80-90 triệu đồng/11 tháng.
Tuy nhiên, theo anh Lê Văn Sang, HTX Hải Nhi hướng đến quy trình khép kín và chuyên nghiệp. Trong đó, HTX xây dựng nhà máy sản xuất nước đá quy mô 600 cây/ngày để trực tiếp cung cấp cho ngư dân; xây dựng nhà dưỡng cá quy mô 300 tấn.
Nhà dưỡng cá sẽ dùng để dưỡng sản phẩm đã được cấp đông khi hải sản vận chuyển về bờ nhiều mà chưa kịp tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cấp đông gió âm 41 độ C. “Công nghệ này sẽ giữ cho con cá tươi ngon, không bị đóng băng, không bị phá vỡ thịt như cấp đông ở 190C như truyền thống”, anh Lê Văn Sang nói.
Tham vọng lớn của HTX Hải Nhi, theo các thành viên cho biết, khi HTX hoạt động ổn định sẽ tiến hành đóng thêm một tàu vỏ thép “mẹ” làm dịch vụ hậu cần, có chiều dài 50m, chiều rộng 9m. Nhiệm vụ của tàu là gom hàng từ các con tàu nhỏ của HTX hoạt động trên biển chở về đất liền, các tàu con tiếp tục hoạt động thu mua.
Đặc biệt hơn, “tàu mẹ” còn có nhiệm vụ sản xuất nước biển thành nước đá để cung cấp trực tiếp cho ngư dân với giá rẻ. Với hình thức này, ngư dân đánh bắt yên tâm bám biển, không chịu phí tổn, giá thu mua hải sản phải chăng, được cung cấp lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và đá, nước ngọt kịp thời.
“Thời gian đến, chúng tôi sẽ đưa các lao động vào làm thành viên của HTX, sẽ có các chế độ phù hợp để họ gắn bó lâu dài. Làm nghề biển rất cần lao động nên phải có những chính sách đãi ngộ họ mới gắn bó để phục vụ HTX lâu dài”, anh Lê Văn Sang khẳng định. Hiện tại, HTX Hải Nhi đã có một đội xe tải gồm 6 chiếc, chuyên chở hàng cung cấp cho thị trường nội địa.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ