Kinh tế

Điểm sáng kinh tế tập thể

13:01, 08/04/2016 (GMT+7)

Trong khi nhiều hợp tác xã (HTX) bế tắc đầu tư; sản xuất, kinh doanh (SXKD) kém hiệu quả dẫn đến thua lỗ, ngừng hoạt động thì HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại tổng hợp Kim Thanh (gọi tắt là HTX Kim Thanh) liên tục đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, sản phẩm có mặt tại các siêu thị lớn ở Đà Nẵng.

Ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc HTX tại cơ sở sản xuất nấm ăn.
Ông Huỳnh Văn Mười, Giám đốc HTX tại cơ sở sản xuất nấm ăn.

Nếu như năm 2011, năm đầu tiên đi vào SXKD, doanh thu chỉ vỏn vẹn 137,4 triệu đồng, thì năm 2015 tổng doanh thu của HTX Kim Thanh gần 3 tỷ đồng. Số thành viên của HTX tăng từ 11 người ngày mới ra đời lên 28 người hiện nay.

Không dừng lại ở sản xuất kinh doanh nấm ăn, nấm dược liệu theo đăng ký ban đầu, đến nay, HTX đã mở ra nhiều lĩnh vực mới như SXKD, tiêu thụ rau củ quả sạch; gia công hàng thủ công mỹ nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ sản xuất nấm...

Sản phẩm do HTX làm ra đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Sở Y tế Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Riêng lĩnh vực sản xuất nấm ăn, từ phạm vi 120m2 mặt bằng sản xuất ngày thành lập, đến nay, cơ ngơi của HTX đã mở rộng lên 5.000m2; mỗi ngày đưa ra thị trường 150kg nấm thành phẩm. Ngoài ra, HTX còn bao tiêu sản phẩm cho các thành viên khoảng 300kg/ngày.

Thời gian gần đây, ngoài tiêu thụ nấm tươi, HTX đã tiến hành chế biến, đóng gói nấm hấp chín tẩm gia vị, nấm sấy khô... Những mặt hàng này đã từng tham gia nhiều hội chợ, được khách hàng ưa chuộng. Theo kế hoạch, không dừng lại ở quy mô đã có, HTX sẽ tiếp tục xây dựng thêm cơ sở sản xuất nấm ăn công nghệ cao, khép kín trên diện tích 5.000m2.

Thành lập năm 2010, từ Câu lạc bộ sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu của nông dân quận Thanh Khê, HTX Kim Thanh đã vượt qua không ít khó khăn để có được cơ ngơi và thành quả như hiện nay. Luật HTX năm 2012 ra đời, HTX Kim Thanh đã từng bước khẳng định được vị thế trong thành phần kinh tế tập thể đang ở giai đoạn khó khăn và thị trường cạnh tranh gay gắt.

Sản phẩm nấm hấp chín, tẩm gia vị được sản xuất trong bối cảnh tiêu thụ nấm tươi khó khăn. Nhờ khẳng định được vị thế và hiệu quả SXKD, HTX Kim Thanh được nhiều địa phương, hộ gia đình liên doanh, liên kết trong việc chuyển giao công nghệ và tiếp nhận bịch nấm đã cấy giống của HTX về nuôi trồng.

Mấy năm gần đây, cùng với đẩy mạnh sản xuất tại cơ sở của HTX, các thành viên còn đóng vai trò chuyển giao công nghệ sản xuất giống nấm, nấm ăn, nấm dược liệu, chế biến sản phẩm... Năm 2015, HTX đã đào tạo nghề trồng nấm cho 275 người ở quận Thanh Khê và các quận, huyện khác, hầu hết trong số đó đã triển khai sản xuất khá hiệu quả.

Ông  Huỳnh Văn Mười, Giám đốc  HTX cho biết: Có 3 yếu tố chính giúp HTX hoạt động nền nếp và hiệu quả, vốn góp ngày càng lớn. Đó là, HTX đã xây dựng đầy đủ và chi tiết quy chế hoạt động, được mọi thành viên đồng tình và tự giác chấp hành; Hội đồng quản trị HTX năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén với cơ chế kinh tế thị trường, luôn tìm hướng đi thích hợp cho HTX; HTX giao việc cho các thành viên trên cơ sở khoán sản lượng, đặc biệt chú trọng chất lượng, nhờ đó năng lực, sức sáng tạo của từng người được phát huy, hạn chế thấp nhất tình trạng ỷ lại, sản xuất cầm chừng.

Cùng với đó, HTX đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng các mối liên doanh, liên kết với các đơn vị khác, trên cơ sở cùng có lợi. Hiện tại, HTX đã nhận bao tiêu sản phẩm cho 2 HTX sản xuất rau sạch trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, điều HTX mong muốn nhất hiện nay là thành phố tạo cơ hội về quỹ đất để HTX xây dựng văn phòng và cơ sở sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu quy mô lớn; các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về trang thiết bị đáp ứng nhu cầu SXKD của HTX...

Bài và ảnh: Nguyễn Cầu

.