Kinh tế
Giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng
Gặp rủi ro khi giấy chứng nhận quyền sở hữu bị làm giả; việc xử lý tài sản thế chấp kéo dài; công chứng các hồ sơ phải qua nhiều khâu… là những khó khăn, vướng mắc mà các ngân hàng đưa ra tại buổi tọa đàm giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng (HĐTD) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng phối hợp với Tòa án Nhân dân thành phố tổ chức chiều 5-4.
Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương, Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã phải gặp rủi ro khi tài sản thế chấp là bất động sản là nhà và đất nhưng khi giấy chứng nhận quyền sở hữu (gọi tắt là giấy chứng nhận – GCN) bị làm giả hoặc tài sản thế chấp bị tranh chấp.
Dẫn chứng được đưa ra là có trường hợp khách hàng vay có tài sản bảo đảm là nhà và đất được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất kiểm tra, xác nhận là đúng và ngân hàng đã đồng ý cho vay.
Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp mới phát hiện ra GCN bị làm giả và Tòa án tuyên vô hiệu thì mặc nhiên phía ngân hàng phải chịu rủi ro là không xử lý được tài sản thế chấp để thu hồi nợ, dẫn đến nợ quá hạn.
Đại diện Ngân hàng TMCP Đông Á cho biết, có trường hợp khách hàng khi vay có địa chỉ rõ ràng, song khi có vấn đề tranh chấp, họ lại chuyển chỗ ở khiến khi đem ra xét xử, ngân hàng rất khó để tìm được nơi ở hiện tại của họ.
Còn các ngân hàng khác thì cho rằng việc giải quyết các vụ việc tranh chấp diễn ra vẫn còn chậm, gây ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ của ngân hàng. Mặt khác, việc Tòa án đòi hỏi các tổ chức tín dụng (TCTD) cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến khách hàng khiến ngân hàng tốn thời gian và công sức vì việc công chứng phải qua rất nhiều khâu.
Vậy nên, các ngân hàng cũng đề nghị Tòa án nên giảm bớt thủ tục, có thể chỉ cần cung cấp những thông tin trọng yếu liên quan đến vụ việc.
Tòa án Nhân dân thành phố lại cho rằng, thời gian qua, Tòa án cũng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp dân sự về HĐTD. Một trong những khó khăn đó là những bất cập phát sinh từ việc TCTD không thông báo cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm và các bên liên quan về nội dung bán nợ giữa TCTD và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).
Một vướng mắc nữa, là nhiều trường hợp cán bộ ngân hàng không đến tại nơi có tài sản thế chấp để thẩm định mà chỉ dựa vào hồ sơ GCN để thẩm định tài sản dẫn đến khiếu nại và gây khó trong việc xử lý tài sản thế chấp.
Một số ngân hàng vẫn chủ quan trong việc xác lập quan hệ bảo đảm, không giám sát khi công chứng, chứng thực người thế chấp, bảo lãnh để xảy ra tình trạng ký thay mà không có ủy quyền… dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp HĐTD.
Ông Trần Huy Đức, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố, cho biết sẽ tiến hành tổng hợp các vướng mắc của ngân hàng và cố gắng giải quyết sớm. Trước mắt, Tòa án sẽ rà soát, xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp đến hợp đồng tín dụng để bảo đảm giải quyết nhanh gọn.
Đồng quan điểm, Giám đốc NHNN Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh mong muốn hai bên sẽ tăng cường sự kết nối để hoạt động giữa ngân hàng và tòa án thông suốt hơn trong thời gian tới. Để làm được điều đó, các TCTD nên thực hiện các yêu cầu của Tòa án; đồng thời, Tòa án cũng phải hỗ trợ tối đa cho các ngân hàng thương mại để giải quyết nhanh các vụ án.
Bởi việc giải quyết tốt và nhanh chóng các vụ tranh chấp liên quan đến hoạt động tín dụng không chỉ giúp nền kinh tế được vận hành thông suốt mà còn nâng cao được chỉ số thiết chế pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư ở Đà Nẵng.
Thanh Tình