Kinh tế
Tháo gỡ những nút thắt để tăng tốc
LTS: Trước thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2010-2015 giảm sâu so với giai đoạn trước đó, Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra vấn đề cần cải thiện thu hút FDI mạnh mẽ và đạt chất lượng cao hơn. Năm 2016, UBND thành phố đề ra mục tiêu thu hút FDI đạt 350 triệu USD.
Nhằm góp phần cụ thể vào việc thực hiện chỉ tiêu ngắn hạn cũng như mục tiêu dài hạn về thu hút FDI, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển bền vững, từ số báo hôm nay, Báo Đà Nẵng tổ chức diễn đàn “Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý..., với những góc nhìn đa chiều trên lĩnh vực này.
Báo Đà Nẵng rất mong tiếp tục nhận được được những ý kiến tham gia đề xuất giải pháp, phản biện, tranh luận, góp ý... của các tổ chức, cá nhân.
Thời gian qua, doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư vào bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Là thành phố lớn nhất ở miền Trung Việt Nam, đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng thúc đẩy sự phát triển của cả khu vực, Đà Nẵng có nhiều lợi thế vượt trội về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng đô thị. Tận dụng những lợi thế này, cùng với dải bờ biển tuyệt đẹp và cảnh quan thiên nhiên hài hòa, hàng loạt các dự án bất động sản - du lịch với những thương hiệu đẳng cấp quốc tế đã ồ ạt đổ vào Đà Nẵng thời kỳ 2005-2010, góp phần đưa tên tuổi Đà Nẵng vào bản đồ du lịch thế giới.
Thế nhưng, làn sóng đầu tư mạnh mẽ đó lại chưa xuất hiện trong các lĩnh vực mà thành phố kỳ vọng như công nghiệp công nghệ cao, giáo dục-đào tạo, y tế, logistics… Trong thực tế, mỗi năm thành phố đã đón hàng trăm đoàn doanh nghiệp nước ngoài từ các tập đoàn đa quốc gia đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến khảo sát các khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (CNC) nhưng số lượng nhà đầu tư quyết định dừng chân tại thành phố không nhiều.
Lũy kế đến tháng 3-2016, thành phố thu hút được hơn 390 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 3,66 tỷ USD từ 38 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong đó, lĩnh vực bất động sản - du lịch có 26 dự án với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 123 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực giáo dục và đào tạo với 12 dự án, chiếm 4,7% tổng vốn đầu tư; trong đó vốn thực hiện đạt 1,97 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc này, tuy nhiên, thực tiễn công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian qua cho thấy, có hai nút thắt lớn nhất tại Đà Nẵng, đó là cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào thành phố thiếu tính cạnh tranh và quỹ đất sẵn sàng để mời gọi đầu tư tại thành phố còn hạn chế.
Cần sớm hoàn thiện và đổi mới chính sách ưu đãi đầu tư của Đà Nẵng. Ảnh: THÀNH LÂN |
Đổi mới cơ chế, chính sách thu hút đầu tư
Hiện nay, đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng, nhà đầu tư sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất về đất đai và thuế như các khu kinh tế. Tuy nhiên, để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện về doanh nghiệp công nghệ cao, suất đầu tư, tỷ lệ đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển…
Trong khi đó, dự án đầu tư vào các khu kinh tế không những không phải đáp ứng các điều kiện đối với ngành nghề và lĩnh vực đầu tư mà còn được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư ngang với Khu CNC, thậm chí có một số ưu đãi đặc thù cao hơn so với Khu CNC.
Về các KCN của Đà Nẵng, giá thuê đất và phí sử dụng hạ tầng ở các khu này tương đương hoặc cao hơn so với các tỉnh lân cận. Các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN ở thành phố không được hưởng thêm các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư nào ngoài các chính sách chung đã được ban hành và áp dụng toàn quốc do Đà Nẵng là đô thị loại I cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) thời gian qua chưa phát huy được tác dụng do hạ tầng dành cho các doanh nghiệp CNTT tại thành phố hoặc đã được lấp đầy hoặc chưa được triển khai đầu tư.
Mặt khác, Đà Nẵng cũng cạnh tranh khốc liệt so với các địa phương có tiềm năng phát triển CNTT ở các nước như Penang (Malaysia), Phuket và Chiang Mai (Thái Lan). Những điều này cho thấy chính sách thu hút đầu tư của Đà Nẵng hiện tại chưa thật sự nổi trội so với các địa phương ở khu vực miền Trung.
Để nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng, các chính sách ưu đãi đầu tư của thành phố cần sớm được hoàn thiện và đổi mới. Theo đó, cần xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhà xưởng cho thuê để sản xuất, phát triển hạ tầng xã hội trong các KCN, chính sách thu hút đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài về đầu tư tại thành phố.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện các thủ tục theo quy định để Khu Công viên phần mềm số 2, Khu CNTT Đà Nẵng và các khu chức năng về CNTT trong Khu Đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng được công nhận là Khu CNTT tập trung. Về lâu dài, nên chăng Đà Nẵng cũng cần nghiên cứu và đề xuất Chính phủ cho phép thành lập một khu kinh tế tại thành phố bao gồm các KCN, Khu CNTT và cảng biển Liên Chiểu.
Tạo lập quỹ đất sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đầu tư
Mặc dù có 6 KCN với diện tích hơn 1.000ha nhưng đến thời điểm này chỉ có hai KCN Hòa Khánh mở rộng và KCN Liên Chiểu còn khoảng hơn 80ha đất trống sẵn sàng cho thuê. Theo quy hoạch, thành phố sẽ có 8 cụm công nghiệp phân bố tại các quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và huyện Hòa Vang nhưng do còn nhiều vướng mắc nên chưa triển khai quy hoạch chi tiết.
Trong Khu CNC Đà Nẵng, diện tích đất sản xuất sẵn sàng cho thuê đến nay là 150ha nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh. Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng cũng không còn văn phòng để cho thuê trong khi Khu CNTT Đà Nẵng đang gặp khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng, Khu Công viên phần mềm số 2 vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm nhà đầu tư.
Quỹ đất bên ngoài các KCN cũng chưa được quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư các dự án trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, tài chính-ngân hàng… nên việc xác định địa điểm phù hợp cho các dự án này thường kéo dài, chưa kể đến việc còn phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu có).
Một vài địa điểm đã được quy hoạch thì lại chưa có sẵn mặt bằng thuận lợi cũng như các tiện ích cần thiết khác. Nhìn chung, nhà đầu tư gặp khó khăn và phải chờ đợi lâu trong việc tiếp cận đất đai để thực hiện dự án tại thành phố, nhất là các dự án ngoài các KCN. Điều đó khiến nhà đầu tư nản lòng và có thể lỡ mất cơ hội đầu tư.
Nhằm bảo đảm thành phố có quỹ đất cần thiết phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, chủ động trong việc tiếp thị dự án, giới thiệu địa điểm cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, thành phố cần nhanh chóng giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2, Khu CNTT Đà Nẵng; thành lập các khu, cụm công nghiệp dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu tiên phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thân thiện với môi trường và kêu gọi nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu và cụm công nghiệp này; quy hoạch cụ thể các địa điểm ngoài các KCN để kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ theo định hướng của thành phố đi kèm với phương án giải tỏa đền bù (nếu cần).
Đối với một số vị trí đã được quy hoạch dành cho các dự án trọng điểm, cần xem xét việc chuẩn bị sẵn đất sạch để mời gọi nhà đầu tư. Ngoài ra, đối với các dự án sử dụng đất trong và ngoài KCN không hiệu quả, nên định kỳ rà soát tiến tới thu hồi nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư hiện có mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh nhiều cơ hội thuận lợi đang mở ra cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng như hiện nay, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của chính quyền thành phố trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, hy vọng Đà Nẵng sẽ trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở miền Trung Việt Nam. Một khi những nút thắt nêu trên được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện để Đà Nẵng thu hút thêm nhiều dự án đầu tư như kỳ vọng trong thời gian tới.
LÊ CẢNH DƯƠNG
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố