Kinh tế
Bài 4: Nuôi ý tưởng khởi nghiệp từ trong nhà trường
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nhiều sinh viên (SV) đã có những ý tưởng khởi nghiệp rất độc đáo. Con đường đến với thành công của các bạn trẻ không hề dễ dàng nhưng với niềm say mê, khát khao khẳng định mình, nhiều dự án, mô hình của SV các trường đại học (ĐH) đã ra đời, hứa hẹn tiềm năng.
Trong các hoạt động của dự án “Vút bay”, các học sinh được đi tham quan thực tế ở các doanh nghiệp. Trong ảnh: Học sinh tham quan Công ty CP Vinatex. (Ảnh do “Vút bay” cung cấp). |
Xây dựng dự án bền vững
Đang là SV năm thứ 4 khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) nhưng Huỳnh Quang Triết đã rất thành công với dự án “Vút bay” – dự án hướng nghiệp dành cho học sinh THPT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Đây là dự án của gần 20 bạn trẻ trong nhóm We Group do Triết làm điều phối viên.
Triết chia sẻ, xuất phát từ những trải nghiệm của bản thân, em hiểu được những trăn trở của các học sinh, không dễ dàng gì khi phải lựa chọn và đưa ra một quyết định cho nghề nghiệp tương lai của mình sau khi tốt nghiệp phổ thông.
Vì vậy, Triết và các bạn trong nhóm We Group mong muốn sẽ hỗ trợ cho các em trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề. Vì vậy, từ khi bắt đầu viết dự án “Vút bay” đến lúc nhận được tài trợ (tháng 11-2015), nhóm của Triết đã triển khai dự án bằng những hoạt động cho học sinh như tham dự các hội thảo, những buổi trò chuyện của các chuyên gia, những doanh nhân thành đạt và cả những buổi tham quan thực tế tại một số doanh nghiệp… để các em nhận ra rằng mình phù hợp với những ngành nghề nào.
Quan điểm của nhóm Triết đặt ra là, định hướng không có nghĩa là cứng nhắc mà có thể thay đổi cho phù hợp với những điều kiện khác trong cuộc sống. Ngành nghề nào cũng xứng đáng để làm, chỉ cần các em hiểu được rằng các em chọn cái đó vì muốn gắn bó với nó.
Triết cho biết thêm, khi bắt tay vào làm, em nhận ra những dự án xã hội thường không bền và phụ thuộc nhiều vào những tổ chức tài trợ. Vì vậy, muốn dự án sống được lâu và tồn tại thì cần có sự phát triển bền vững.
Do đó, bên cạnh dự án khởi nghiệp “Vút bay”, nhóm We Group còn tham gia làm nhiều dự án khác. Nhóm cũng đã làm được khoảng 5 dự án về các hoạt động xã hội. Các dự án thường dành cho những đối tượng nhất định nên để dự án đi nhanh hơn nhóm đang nỗ lực để khách hàng thấy được các sản phẩm của nhóm như thế nào. Hiện dự án “Vút bay” của nhóm Triết nằm trong chương trình “100 hạt giống doanh nhân” của Đà Nẵng.
Điểm tựa cho sinh viên
Trong hai ngày 19 và 20-3, các cán bộ giảng viên và SV tham gia dự án Startup Runway của Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã được tham dự buổi trao đổi, nói chuyện kiến thức khởi nghiệp dành cho SV của hai đại diện đến từ Trung tâm Khởi nghiệp, Học viện Công nghệ Cork (CIT), Ai-len.
Tại đây, người tham dự được chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích về các phương pháp, tư duy để tạo nên ý tưởng kinh doanh. Người tham dự còn được hướng dẫn, chia nhóm để thực hành ngay tại chỗ nhằm kiểm nghiệm tính hiệu quả của các phương pháp mà các chuyên gia đưa ra.
TS Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Phụ trách dự án Startup Runway cho biết, dự án này của trường do Chính phủ Ai-len tài trợ, bắt đầu triển khai từ tháng 1-2016, tập trung khởi nghiệp cho các SV có ý tưởng và giúp các em đưa ý tưởng đó đến thực tế.
Gần 200 SV tham gia dự án được chia thành 67 đội, sau các vòng sàng lọc hiện có 50 đội tốt nhất đang được Trung tâm Khởi nghiệp, CIT hỗ trợ. Ngoài các hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia CIT, nhà trường còn liên hệ với Vườn ươm doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia hỗ trợ cho các em.
Những người này sẽ tư vấn, giúp SV biến những ý tưởng thành những kế hoạch kinh doanh. TS Nguyễn Phúc Nguyên cho rằng, khi tham gia vào những chương trình khởi nghiệp này, các em SV sẽ có cơ hội được trang bị, cọ xát với môi trường kinh doanh, được tiếp xúc với những nhà đầu tư, được đào tạo bồi dưỡng.
“Mặc dù Trường ĐH Kinh tế đã có CLB Khởi nghiệp của các bạn SV nhưng những dự án như thế này không chỉ dành riêng cho SV Trường ĐH Kinh tế mà cả các trường khác ở Đà Nẵng và đây giống như một chiếc cầu nối để kết nối giữa Vườn ươm doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp nhằm duy trì hoạt động của các dự án khởi nghiệp”, TS Nguyên bày tỏ.
Theo ông Lý Đình Quân, Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp thành phố, tất cả các SV đều có cơ hội khởi nghiệp như nhau, có ba yếu tố để thành công, đó là ý tưởng, tài năng và điều kiện nguồn lực. Ở các nước đang phát triển, cơ hội khởi nghiệp rất lớn, chi phí khởi nghiệp thấp, giúp các bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn.
Việc khởi nghiệp ở Đà Nẵng còn sơ khai, chủ yếu tập trung ở các SV năm cuối, việc tư vấn liên quan đến các chuyên gia cũng có tăng lên nhưng để hệ sinh thái cũng như mạng lưới phát triển, cần có sự vào cuộc của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, thấy được tầm quan trọng của khởi nghiệp để hỗ trợ các phong trào hoạt động, nâng cao chất lượng.
Thu Hà