Kinh tế
Đưa Đà Nẵng gần hơn với doanh nghiệp Nhật Bản
Trong nhiều năm qua, FDI luôn là động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong số các quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, Nhật Bản nổi lên như một làn sóng đáng chú ý, mạnh mẽ và hiệu quả. Được đánh giá là quốc gia có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ tiên tiến với tác phong lao động nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm rất cao, doanh nghiệp Nhật luôn hoạt động hiệu quả, tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Vì thế, coi Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu, tập trung thu hút doanh nghiệp Nhật… cũng là định hướng thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Sản xuất tại Công ty Tokai, Nhật Bản (Khu công nghiệp Hòa Cầm).Ảnh: THÀNH LÂN |
Nhật Bản có trên 4 triệu doanh nghiệp, cũng là nước đứng thứ 4 trong số 20 nền kinh tế có mức đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới. Trong số các quốc gia Nhật Bản lựa chọn đầu tư, phải kể đến Trung Quốc với 30.000 doanh nghiệp, Thái Lan với 18.000 doanh nghiệp. Trong khi đó, tính đến tháng 8-2015, Việt Nam có 2.725 dự án FDI Nhật Bản, tổng vốn đầu tư 37,9 tỷ USD. Xét về tiềm lực, dễ dàng nhận thấy đây là một con số khiêm tốn.
Thêm vào đó, đầu tư trực tiếp Nhật Bản tại Việt Nam tập trung ở 2 thành phố lớn, trong đó Hà Nội có 716 doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh có 839 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Con số này hoàn toàn áp đảo số lượng tại Đà Nẵng: 97 dự án với số vốn gần 400 triệu USD.
Tại sao doanh nghiệp Nhật Bản chưa lựa chọn Đà Nẵng?
Thực tế là, khi nhắc đến Việt Nam, không nhiều doanh nghiệp Nhật, người dân Nhật biết đến Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng mới chỉ tạo được bước đột phá trong phát triển và hội nhập, trở thành thành phố trẻ động lực của khu vực miền Trung cách đây 20 năm.
Chính vì là thành phố non trẻ, lượng doanh nghiệp chưa nhiều nên Đà Nẵng chưa có nhiều đường bay trực tiếp đi Nhật. Hiện chỉ có 1 chuyến bay trực tiếp Đà Nẵng - Narita, tần suất bay 5 chuyến/tuần, dự kiến tăng lên thành 7 chuyến/tuần trong thời gian tới.
Một nguyên nhân nữa có thể chỉ ra là quỹ đất Khu công nghiệp tại Đà Nẵng không còn nhiều, đặc biệt là khu công nghiệp có tính liên kết, có cả khu nhà xưởng cho thuê, khu đô thị, liên kết với doanh nghiệp ngành phụ trợ… còn rất thiếu. Thêm nữa, cơ chế ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng, hấp dẫn cũng là một vấn đề khiến Đà Nẵng “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư Nhật.
Theo kinh nghiệm thực tế, công tác thu hút đầu tư thành phố còn nhiều vướng mắc. Dù có rất nhiều lợi thế, chính sách tốt, Đà Nẵng vẫn chưa cạnh tranh được với hai “đầu tàu” kinh tế lâu đời với thị trường lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Có thể nói, đó là vì công tác xúc tiến đầu tư vào thị trường Nhật chưa tập trung, công tác quảng bá chưa hiệu quả. Mặc dù thành phố đã có Văn phòng đại diện tại Tokyo, Nhật Bản hơn 10 năm, kinh phí và nhân lực phục vụ hoạt động của văn phòng còn hạn chế. Hơn nữa, văn phòng ở Tokyo phần lớn chỉ tiếp cận doanh nghiệp khu vực này.
Một rào cản nữa trong tiếp cận doanh nghiệp Nhật là nguồn nhân lực còn thiếu, năng lực còn yếu, chưa đáp ứng nổi nhu cầu quảng bá, duy trì kênh thông tin. Số lượng người học tiếng Nhật của thành phố ngày càng tăng, nhưng giỏi tiếng Nhật thì không nhiều. Cả thành phố Đà Nẵng không tìm được mấy phiên dịch tiếng Nhật có thể dịch trực tiếp các buổi hội thảo, tọa đàm (dịch cabin).
Tập trung quảng bá, thu hút doanh nghiệp Nhật
Thu hút được đầu tư từ Nhật Bản, trước tiên phải làm cho doanh nghiệp Nhật biết đến Đà Nẵng, sau đó phải tạo cho nhà đầu tư các yếu tố thuận lợi, có lợi và đáng tin cậy. Chặng đường dài sắp tới của thu hút đầu tư vào Đà Nẵng đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Làm sao để thực hiện những điều này?
Đầu tiên, cần giúp doanh nghiệp đến Đà Nẵng dễ dàng bằng cách mở thêm các đường bay trực tiếp. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp khu vực miền Trung Nhật Bản và vùng Kansai đang rất quan tâm và có ý định vào Đà Nẵng, vì vậy mở đường bay Đà Nẵng - Osaka là nhu cầu bức thiết trong tương lai gần.
Thứ hai, hạ tầng các khu công nghiệp, nhà xưởng cần được chú trọng. Có thể chia nhỏ dự án xây dựng khu công nghiệp thành nhiều giai đoạn, bắt đầu từ quy mô khoảng 5 - 10ha. Hơn nữa, hiện nay, đầu tư vào Đà Nẵng phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu thuê nhà xưởng cho thời kỳ đầu hoạt động rất lớn. Nắm bắt điều này, nên xây dựng các nhà xưởng tiêu chuẩn 300m2, 500m2, 1.000m2, 2.000m2.
Tiếp theo, không chỉ ở Tokyo, mà cần có các văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng ở các địa phương khác, đặc biệt là Osaka, Yokohama, Fukuoka, Sapporo, Okinawa. Doanh nghiệp cần thông tin. Các văn phòng đại diện là cầu nối đưa Đà Nẵng đến gần đất nước “mặt trời mọc” hơn.
Thông qua các văn phòng đại diện, thành phố có thể thiết lập quan hệ với các công ty tư vấn uy tín của Nhật. Các công ty tư vấn là đầu mối quan trọng để giới thiệu và kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ các công tác tổ chức hội thảo, tổ chức đoàn doanh nghiệp khảo sát môi trường đầu tư.
Đặc biệt, đào tạo nhân lực luôn là nền tảng có ý nghĩa to lớn trong thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Theo xu hướng hiện nay, các ngành cần được tập trung đào tạo là cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin và tiếng Nhật.
Về phía thành phố, nên chăng cần chủ động và đột phá hơn trong cơ chế xúc tiến đầu tư. Trong đó có việc dỡ bỏ giới hạn số lần đi nước ngoài trong năm cho lãnh đạo các đơn vị đặc thù như: Sở Ngoại vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao…, để có thể nhận lời mời của doanh nghiệp nước bạn đi khảo sát, tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu hình ảnh thành phố.
Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng về cơ sở hạ tầng, an ninh, môi trường, cuộc sống, đặc biệt phù hợp với doanh nghiệp và nhân dân Nhật Bản. Tận dụng những lợi thế này, tranh thủ thời kỳ đỉnh cao trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hiện tại, nếu giải quyết được những vướng mắc, tin chắc rằng cơ hội để Đà Nẵng được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn và khẳng định thương hiệu của mình là rất lớn.
Lâm Lê Mai