Kinh tế

Những lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI 2016

07:39, 12/04/2016 (GMT+7)

Ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch, không gây tác hại đến môi trường… sẽ là những đột phá trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng nhằm phù hợp với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng phát triển bền vững.

Sản xuất tại phân xưởng Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng.
Sản xuất tại phân xưởng Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng.

Tận dụng những cơ hội mở ra trong năm 2016 từ việc tăng trưởng kinh tế trong nước và quốc tế trên đà hồi phục, cùng với việc Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mai tự do (FTA) với Hàn Quốc, EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN..., Đà Nẵng định hướng mục tiêu của chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2106 sẽ tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp phụ trợ; các ngành dịch vụ chất lượng cao, đặc biệt là thương mại, du lịch, logistics và giáo dục.

Theo đó, thành phố định hướng thị trường trọng điểm thu hút đầu tư trong năm 2016 là tập trung tiếp cận và mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư (NĐT) có tên tuổi, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến từ một số quốc gia châu Âu, Úc, ASEAN... Cụ thể là các NĐT tiềm năng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức...

Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, công nghệ thông tin của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Anh, Hoa Kỳ...

Dự kiến, trong năm, thành phố sẽ tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư tập trung vào những ngành trọng điểm tại một số thị trường chiến lược như Nhật Bản, Ulsan-Hàn Quốc, Đức, Sydney-Úc... Tham gia hội chợ triển lãm thương mại quốc tế ITB Berlin 2016; tham gia hội nghị quốc tế ASEAN, hội chợ triển lãm thương mại quốc tế IFB 2016 tại Liverpool (Anh); tham gia diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam, tổ chức diễn đàn chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Nhật Bản đến các doanh nghiệp địa phương...

Đồng thời, tổ chức 2 đợt khảo sát hơn 300 doanh nghiệp FDI trên địa bàn, đối thoại giữa doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp FDI với lãnh đạo thành phố, tăng cường hoạt động của tổ công tác hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản, Câu lạc bộ FDI Đà Nẵng. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ XTĐT cũng như phóng sự quảng bá trên các kênh truyền hình quốc tế.

Hiện nay, sau nhiều năm thay đổi phương thức tiếp cận thu hút đại trà sang thu hút đầu tư có chọn lọc, bước đầu tình hình thu hút đầu tư Đà Nẵng đã có những thay đổi đáng kể. Các dự án lớn đã chuyển dần từ các lĩnh vực công nghiệp nặng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại, dịch vụ...

Những dự án đầu tư được cấp phép mới tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, logistics… Kết quả, năm 2015, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 337 triệu USD, tăng gấp đôi so với tổng vốn cấp mới và tăng thêm năm 2014.

Thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã tiếp và làm việc với nhiều đoàn khách quốc tế, trong đó đáng chú ý là các Đoàn chuyên gia Hàn Quốc, Giám đốc Viện Zifet, Trường Đại học Koblenz - Landau (Đức), Chuyên gia bộ phận sáng kiến kinh doanh Business, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...

Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng cho biết: Vấn đề môi trường đang được các NĐT quan tâm, nhất là các NĐT đa quốc gia, bởi họ đều mong muốn sản phẩm của họ phải xuất phát từ một môi trường được xử lý tốt và điều đó làm nâng cao giá trị sản phẩm.

Việc thành phố thay đổi cách tiếp cận nhà đầu tư, chuyển sang thu hút đầu tư có chọn lọc nhằm phục vụ định hướng phát triển các ngành công nghiệp không khói như du lịch - dịch vụ, công nghệ cao, tạo ra sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài và đảm bảo môi trường sống cho Đà Nẵng. Làm tốt công tác này giúp Đà Nẵng “ghi điểm” trong mắt NĐT.

Để công tác xúc tiến FDI năm 2016 đạt kết quả cao, thành phố triển khai nhiều phương thức xúc tiến, trong đó tăng cường tìm kiếm đối tác thông qua kênh xúc tiến đầu tư của Trung ương như Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các tham tán tại các nước, các tổ chức đầu tư - thương mại quốc tế như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.

Xây dựng kế hoạch cụ thể tiếp cận các tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư vào khu vực Đông Nam Á và Việt Nam, đặc biệt tăng cường kết nối với Bộ Ngoại giao và VCCI để xác định các tập đoàn tiềm năng sẽ tham dự Hội nghị APEC 2017, lập kế hoạch tiếp cận và tổ chức các sự kiện quảng bá, kêu gọi đầu tư. Về công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, sẽ tập trung đẩy mạnh đối thoại với doanh nghiệp FDI, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và tích cực hỗ trợ NĐT hiện hữu, tạo niềm tin của NĐT vào chính sách đầu tư của thành phố, qua đó tranh thủ mời gọi các NĐT mới; ưu tiên các hoạt động xúc tiến mang tính liên ngành, liên vùng, lồng ghép xúc tiến đầu tư với thương mại và du lịch...

Bài và ảnh: Phương Uyên

.