Quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản lý và trình độ công nghệ thấp… là những “rào cản” mà doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung gặp phải hiện nay; và càng khó khăn hơn khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của bản thân, cộng đồng DN Đà Nẵng mong muốn chính quyền, các ngành chức năng hỗ trợ và tạo điều kiện để DN có cơ hội đứng vững để phát triển.
Doanh nghiệp Đà Nẵng cần tận dụng cơ hội để hội nhập và phát triển. |
Theo đại diện các DN, khi hội nhập, chắc chắn Việt Nam sẽ xuất hiện một làn sóng đầu tư mới đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, xác định “lực yếu”, DN sẽ phải tận dụng các cơ hội hội nhập để tồn tại và phát triển.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Phước Tiến cho rằng, năm 2017, Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng, đây cũng là một cơ hội rất lớn để cộng đồng DN địa phương nắm bắt và tận dụng lợi thế.
Để hội nhập, ngay từ bây giờ, các DN Đà Nẵng cần thay đổi tư duy theo hướng chú trọng vào sự đổi mới, khác biệt và sáng tạo không chỉ trong sản phẩm, dịch vụ cụ thể mà còn trong tư duy, ý tưởng kinh doanh, hình thức và phương thức kinh doanh, phục vụ phù hợp với thời kỳ hội nhập chứ không theo tư duy lợi ích cục bộ, xin-cho, lợi dụng cơ chế của Nhà nước như lâu nay.
Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại BQ cũng cho rằng, hội nhập vào AEC và TPP, các DN Đà Nẵng cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Từng DN phải tạo được chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của DN mình, như vậy mới đủ “lực” hội nhập vào xu thế chung.
Theo các chuyên gia, DN Đà Nẵng tuy nhiều nhưng thực tế còn hạn chế về tiềm năng tài chính, khả năng quản trị và tính chuyên nghiệp, do đó, khả năng cạnh tranh không cao. Vì vậy, trước nền kinh tế hội nhập, các DN Đà Nẵng ngoài việc nắm bắt xu thế để cạnh tranh cần có giải pháp hạn chế đầu tư đối với các hoạt động kinh doanh không hiệu quả, giá trị gia tăng thấp mà tập trung phát triển các dòng sản phẩm mới, tạo ra thị trường mới và đặc biệt là các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông. Để làm được điều đó, DN Đà Nẵng rất cần sự quan tâm và hỗ trợ thiết thực từ phía chính quyền.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho biết, trước hết, DNNVV Đà Nẵng phải xác định nhiệm vụ cạnh tranh với dịch vụ và hàng hóa ngoại nhập ngay trên thị trường nội địa bằng cách liên kết, hợp lực để tạo nên sức tương tác mới với thị trường. Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực của DN, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến nguyện vọng và tích cực tháo gỡ các vướng mắc kéo dài cho DN, cũng như tạo thêm cơ chế thông thoáng để DN phát triển.
Thực tế, thời gian qua, để hỗ trợ DN, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện nhiều chính sách thiết thực, tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định và phát triển bền vững. Định hướng trong những năm tiếp theo, thành phố cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực hiện 6 nhóm giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; tăng cường sự tham vấn, hỗ trợ DN; tập trung hỗ trợ DN tái cấu trúc, đổi mới công nghệ; hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng thông qua các quỹ Đầu tư phát triển, Bảo lãnh tín dụng DNNVV; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư… góp phần giúp DN có động lực phát triển và hội nhập.
Bài và ảnh: Thanh Tình