Kinh tế

Tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới: Tín hiệu tích cực

07:41, 19/04/2016 (GMT+7)

Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp (dn) nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng, số DN thành lập mới tăng cao chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Điều đó không chỉ cho thấy các chính sách vĩ mô đúng đắn và các giải pháp hỗ trợ đã thực sự đến với DN mà còn thể hiện xu hướng kinh doanh của DN đang có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Số lượng doanh nghiệp tăng góp phần giải quyết nhiều lao động trên địa bàn. (ảnh mang tính minh họa)
Số lượng doanh nghiệp tăng góp phần giải quyết nhiều lao động trên địa bàn. (ảnh mang tính minh họa)

Tính đến giữa tháng 3-2016, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 834 doanh nghiệp (DN), chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 3.728,8 tỷ đồng, tăng 67% về số DN và tăng 40,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng, số DN thành lập mới tăng cao chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Điều đó không chỉ cho thấy các chính sách vĩ mô đúng đắn và các giải pháp hỗ trợ đã thực sự đến với DN mà còn thể hiện xu hướng kinh doanh của DN đang có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Xét trên khía cạnh quy mô vốn, số vốn bình quân của một DN đạt 4,5 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Điều này một lần nữa cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, các DN đã vững vàng hơn, tìm kiếm được những cơ hội đầu tư kinh doanh mới.

Trong quý 1-2016, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN dân doanh duy trì ổn định, các DN cũng chủ động hơn trong công tác tìm kiếm thị trường, cơ hội để đẩy mạnh sản xuất và cơ cấu lại bộ máy hoạt động hiệu quả hơn.

Qua đó, có trên 600 lượt DN đăng ký thay đổi đăng ký DN, thay đổi tên, thay đổi trụ sở chính, bổ sung ngành nghề, tăng vốn điều lệ, hơn 10 DN đăng ký khôi phục hoạt động trở lại trước thời hạn hoặc kết thúc thời hạn tạm ngừng…

Lũy kế đến giữa tháng 3-2016, trên địa bàn thành phố có 16.521 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đạt 84.653 tỷ đồng. Đồng thời, ở chiều ngược lại, có 74 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể, chiếm 0,45% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn, giảm 25,9% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký giảm là 218 tỷ đồng; có 347 DN gặp khó khăn, hoạt động kinh doanh không hiệu quả phải tạm ngừng hoạt động, chiếm 2,1% tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Lý cho rằng: Số lượng DN giải thể và tạm ngừng hoạt động giảm đáng kể so với cùng kỳ cho thấy, DN đã có chiến lược kinh doanh tốt hơn, có trình độ quản lý, tình hình sản xuất, kinh doanh và nguồn lao động ổn định, công nghệ sản xuất được cải thiện.

Dấu hiệu tích cực đó cũng cho thấy chính quyền thành phố nỗ lực tiếp tục hỗ trợ DN về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tài chính cũng như chính sách thuế…, các DN cố gắng vận động thoát ra khó khăn để hội nhập với nền kinh tế thế giới.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, thay vì trước đây các DN gặp khó khăn thường tự ý đóng cửa mà không thông báo cho cơ quan chức năng thì bây giờ các DN bắt đầu đăng ký tạm ngưng theo đúng quy định, chứng tỏ ý thức tuân thủ pháp luật của DN ngày càng tăng lên.

Thời gian đến, Sở sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất và những khó khăn, vướng mắc của DN để đề xuất biện pháp hỗ trợ tháo gỡ, giúp DN ổn định và phát triển sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường, đổi mới thiết bị, công nghệ; phổ biến, triển khai rộng rãi chương trình khởi nghiệp...

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và chuyển giao công nghệ K&H Nguyễn Trọng Khải cho rằng: Một khi điều kiện kinh doanh được cải thiện, số DN thành lập mới sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nhìn vào số vốn bình quân mà DN mới thành lập, khoảng 4,5 tỷ đồng trên DN cho thấy, chủ yếu DN mới thành lập là DN nhỏ và rất nhỏ, do đó chúng ta thiếu những DN vừa và mạnh để có thể cạnh tranh và tạo những bứt phá lớn trên thị trường hội nhập.

Trước thực trạng như vậy, thời gian tới, cần tiếp tục ưu tiên và tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ để đầu tư chiều sâu tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, để cộng đồng DN phát triển ổn định hơn, bên cạnh giải quyết những hạn chế nội tại, cộng đồng DN cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa từ những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của thành phố.

Bài và ảnh: Thành Lân

.