Trong khi vấn nạn thực phẩm “bẩn” đang ngày càng hoành hành thì nhu cầu sử dụng rau an toàn (RAT) trở nên bức thiết trong mỗi bữa ăn. Sản xuất RAT khá vất vả, thế nhưng giá cả lại không hơn mấy so với rau thường. Thực tế, ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ kết nối tìm kiếm thị trường cho các hợp tác xã (HTX) trồng rau, song người trồng RAT vẫn khó khăn tìm đầu ra.
Hiện nay, nhiều vùng rau đạt tiêu chuẩn VietGap, được kiểm tra quy trình sản xuất nghiêm ngặt như thương hiệu RAT Túy Loan, La Hường, Hòa Tiến… ít được người tiêu dùng Đà Nẵng biết đến.
Sản xuất rau an toàn vất vả nhưng giá cả thì không chênh lệch hơn rau thường. |
Nhiều năm nay, người trồng RAT tại Đà Nẵng vấp phải khó khăn tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong lúc các cửa hàng rau sạch than khó khi đưa thương hiệu RAT Đà Nẵng đến tay người tiêu dùng, thì người nông dân mỗi ngày phải đem rau ra chợ tự tiêu thụ theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu”. Ngược lại, người tiêu dùng mua RAT vẫn còn dựa chủ yếu vào… niềm tin.
Rau an toàn tự… chạy chợ
Theo HTX sản xuất RAT La Hường, mỗi ngày HTX bán ra thị trường khoảng 5 tạ rau, trong đó chỉ 1 tạ rau vào cửa hàng rau sạch, các bếp ăn tập thể, còn lại người nông dân đem bán ở chợ. HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ RAT Túy Loan (HTX RAT Túy Loan) mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 7 tạ rau thì chỉ có 2 tạ rau mang thương hiệu RAT, còn 5 tạ rau người nông dân đem bán sỉ ở chợ hoặc được thương lái thu mua về bán trôi nổi ở chợ lẻ. Trong khi nhu cầu tiêu thụ rau sạch ngày càng tăng thì lượng RAT của các HTX vẫn chưa đến với tay người tiêu dùng.
Lý giải điều này, ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX RAT Túy Loan cho biết: “Việc sản xuất RAT vất vả hơn so với rau thường, phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt của VietGap nên giá RAT thường đắt hơn 30% so với chợ dân sinh, đắt gấp đôi so với chợ đầu mối.
HTX nhiều năm kết nối đầu ra với siêu thị, trường học, các bếp ăn tập thể, thế nhưng một phần do giá cao, một phần do sản xuất của người nông dân không mang tính ổn định nên khó tiêu thụ hết 100% lượng RAT. Về lâu dài HTX vẫn mong muốn rau Túy Loan có chỗ đứng trên thị trường đúng như thương hiệu của nó”.
Không chỉ rau Túy Loan mà RAT Hòa Tiến, La Hường… cũng chịu chung số phận. Nhiều hộ dân trồng RAT trên địa bàn nghĩ rằng, nếu có trong tay tờ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT thì sản phẩm của họ sẽ dễ cạnh tranh trên thị trường.
Thực tế, việc tiêu thụ sản phẩm RAT rất khó khăn. Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ sản xuất RAT ở thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến, các loại rau sạch trồng trong nhà lưới giá bán phải cao hơn rau thường từ 25-30% thì mới có lãi.
Nhưng khi đem ra chợ bán thì rất ít người mua, vì nhiều người chê đắt và băn khoăn không biết rau có thực sự là RAT không. “Làm rau sạch vất vả nhưng tìm đầu ra cho rau sạch càng vất vả hơn. Chúng tôi rất muốn đưa thương hiệu RAT Hòa Tiến đến gần hơn với người tiêu dùng thế nhưng lâu nay RAT vẫn phải bán chợ như rau thường. Người mua rau có tìm đến quầy rau của chúng tôi cũng chỉ vì niềm tin với nhau thôi. Nếu cứ bán ở chợ nhập nhằng như thế này, chúng tôi rất sợ mất thương hiệu của cả làng rau”, ông Dũng chia sẻ.
Cửa hàng rau sạch “chết yểu”
Năm 2013, Sở Công thương thành phố chỉ đạo các chợ lớn trên địa bàn sắp xếp mặt bằng xây dựng chuỗi cửa hàng để quảng bá rau sạch Hòa Vang. Chợ Đầu mối Hòa Cường đã bố trí 2 quầy cho một số HTX để tổ chức tiêu thụ nông sản trên địa bàn thành phố. Cùng thời gian này, HTX Túy Loan cũng xây dựng cửa hàng bán rau tại chợ Túy Loan nhằm tạo dựng thương hiệu cho vùng rau này. Nhưng rồi chưa đầy một năm hoạt động, các cửa hàng rau sạch đều phải đóng cửa vì rơi vào tình trạng “càng bán càng lỗ”.
Nguyên nhân là do địa điểm bán rau không thuận tiện, giá thành cao không cạnh tranh với các loại rau ở chợ. Bên cạnh đó, thói quen của người tiêu dùng vẫn thích mua rau chợ vì bắt mắt nên sản phẩm của cửa hàng rau Túy Loan bị ế ẩm.
Khảo sát một số cửa hàng rau sạch trên địa bàn thành phố như 184 Hoàng Diệu, 262 Cù Chính Lan…, thương hiệu RAT ở Đà Nẵng được bày bán chung với các loại rau củ của Đà Lạt, Quảng Nam… với tên gọi chung chung là rau sạch, chứ không mấy cửa hàng có hệ thống nhận diện sản phẩm.
“Thời gian đầu, cửa hàng chúng tôi có bày bán rau sạch La Hường, nhưng thấy khách hàng không ưa chuộng mấy nên không bán ở quầy nữa. Cửa hàng mỗi ngày lấy vài chục ký rau La Hường nhưng cũng chỉ bỏ mối cho các trường học. Nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ rau Đà Lạt là rau sạch, nên không mấy quan tâm đến RAT của Đà Nẵng mình”, chị H.H, chủ cửa hàng rau sạch trên đường Hoàng Diệu giải thích.
Một số cửa hàng rau sạch mới ra đời bày bán RAT do nông dân Đà Nẵng sản xuất cũng hết sức khó khăn khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhiều cửa hàng phải bán kèm một số sản phẩm của địa phương khác vì RAT của Đà Nẵng vẫn chưa vượt qua các “đối thủ nặng ký” như rau Đà Lạt, rau Trà Quế…
Theo CLB Sản xuất và tiêu thụ rau Hòa Vang, hiện trên địa bàn huyện có 5 vùng sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 33 hecta. Lượng rau này chỉ đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu của người dân thành phố. Bà Ngô Thị Hạnh, Phó phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho hay: Hiện nay, việc thu mua RAT với các hộ trồng rau còn gặp nhiều khó khăn, do nông dân chưa thực sự gắn bó với CLB. Các hộ trồng rau khi thấy ở chợ được giá thì bán “xé lẻ”, nếu rau ứ lại thì mới đem bán cho HTX. Có lúc rất nhiều đơn vị kinh doanh rau sạch tìm đến thu mua, nhưng lượng rau lại không đủ cung cấp vì các khâu quy trình sản xuất của nông dân không đảm bảo.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN