Hàng chục tàu cá của ngư dân miền Trung cập cảng bán cá sau chuyến biển dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa. Tại chợ đầu mối thủy sản, tiểu thương đã quay lại thu mua hải sản đem về các chợ để tiêu thụ… Đó là những hình ảnh mới nhất mà chúng tôi ghi nhận được vào rạng sáng 4-5 sau nhiều ngày hải sản có phần im ắng.
Tiểu thương hồ hởi, vui mừng đưa hải sản về các chợ tiêu thụ. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Hàng chục tàu thuyền vào bán cá
4 giờ ngày 4-5, chúng tôi có mặt tại Âu thuyền Thọ Quang, ghi nhận hoạt động mua bán cá của ngư dân, chủ nậu khá tấp nập. Trên các cầu cảng số 2, số 3, rất nhiều tàu của Quảng Ngãi, Quảng Bình, Đà Nẵng khẩn trương bán cá. Ngư dân Nguyễn Kim, thuyền phó tàu QNg 94497 (Quảng Ngãi) cho biết, tàu ra khơi giữa tháng 4-2016 với 13 lao động làm nghề giã cào ở vùng biển Hoàng Sa. Lúc đó, anh em ngư dân cũng đã nghe thông tin cá chết tại Hà Tĩnh.
“Gần 22 ngày đánh bắt, tàu thu về được 10 tấn hải sản, trong đó có 8 tấn cá ngừ. Lúc sáng, chúng tôi đã được Hợp tác xã (HTX) Hải Nhi thu mua một ít để tiêu thụ tại Đà Nẵng; số còn lại bán cho các nậu, tiểu thương. Về giá cả có thấp hơn trước, nhưng trong giai đoạn này chúng tôi cũng phải chấp nhận”, anh Kim nói.
Cũng trong sáng 4-5, tàu ĐNa 90569 ghé vào cầu cảng số 2 để bán cá. Ngư dân Trần Hoàng Thanh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), chủ tàu kiêm thuyền trưởng cho biết rất lo lắng khi nhận được thông tin cá chết dọc biển miền Trung. Tuy nhiên, khi các chủ vựa mua các loại cá có giá trị với giá bình thường như mọi hôm, chỉ có những loại cá nhỏ là rẻ hơn, ngư dân cũng vui.
“Tàu chở về được 8 tấn cá; trừ phí tổn chuyến biển, mỗi lao động cũng thu được 5 triệu đồng. Trong thời điểm này, được như vậy là trúng lắm rồi”, anh Thanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Lại, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang) cho biết, từ 3 giờ đến 6 giờ ngày 4-5, có 36 tàu cập cảng bán cá. Những ngày bình thường thì khoảng 50-55 chiếc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các tàu về đợt này đều đánh bắt dài ngày ở các ngư trường lớn, trong đó chủ yếu là Hoàng Sa. Mỗi tàu mang về ít nhất 5 tấn, nhiều nhất đến 20 tấn hải sản. Điển hình như tàu QB 92222 mang về 16 tấn hải sản, tàu QB 93909 có 10 tấn, tàu của anh Trần Việt Hùng (Quảng Ngãi) 20 tấn…
Niềm vui của ngư dân khi trúng cá lớn và tiêu thụ nhanh. |
Chợ đầu mối thủy sản tấp nập trở lại
Cùng cảnh tấp nập trở lại của tàu thuyền, tại chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang, tiểu thương cũng đã trở lại thu mua hải sản về các chợ để bán cho người tiêu dùng. Hàng trăm chiếc xe máy của các tiểu thương dựng chật hai lên lề đường trước chợ.
Trong chợ, cá được các tàu chở vào rất nhiều với đủ loại cá lớn, nhỏ. Các tiểu thương thả sức lựa chọn những con cá tươi ngon để đem về các chợ tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Bảy (tiểu thương chợ Đầu mối Hòa Cường, quận Hải Châu) cho biết, ngày 3-5, chỉ lấy khoảng 20kg và bán hết, nên chị lấy số lượng nhiều hơn. “Người tiêu dùng đã trở lại với hải sản rồi. Cái này nhờ sự nhanh nhạy của lãnh đạo thành phố trong việc trấn an lòng dân”, chị Bảy chia sẻ.
Chị Trương Thị Châu (tiểu thương chợ An Hải Đông, quận Sơn Trà) cũng đã đến chợ đầu mối thủy sản để mua cá về bán sau 10 ngày nghỉ do “dư chấn” từ vụ cá chết dọc biển miền Trung. Chị cho biết: “Tôi mua 40kg cá nục, ngừ, cá dò… về chợ bán. Nếu bán hết, ngày mai tôi sẽ lấy nhiều hơn nữa và gọi thêm mấy chị em tiểu thương đang còn nghỉ bán đi buôn cá trở lại”, chị Châu tâm sự…
Theo Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, hoạt động mua bán cá tại chợ Đầu mối thủy sản Thọ Quang khởi sắc hơn trước.
Duy trì và phát triển các điểm bán cá sạch Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng tại buổi họp rút kinh nghiệm về tình hình triển khai thực hiện bán cá sạch tại 50 điểm trên địa bàn thành phố vào chiều 4-5. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho rằng, trong thời điểm lòng tin của người dân vào hải sản giảm sút, chợ bán cá không có người mua, ngư dân lo lắng vì đánh cá về không tiêu thụ được, thành phố đã chỉ đạo kịp thời việc bán cá sạch. Dù thời gian rất ngắn nhưng các sở, ngành, quận, huyện đã nỗ lực triển khai các điểm bán cá, kiểm định chất lượng nguồn hải sản đến khâu đưa hải sản ra thị trường. Vì vậy, đến thời điểm này, thị trường đã bình phục trở lại, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm ra khơi tiếp tục sản xuất. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đặc biệt đánh giá cao vai trò của các cơ quan thông tân báo chí đã luôn đồng hành, góp tiếng nói tích cực để người dân an tâm hơn. “Hiện nay, người dân đang tin tưởng cơ quan chức năng. Tôi đề nghị phải tiếp tục duy trì, ổn định các điểm bán cá sạch, dần dần mở rộng không những một điểm bán cá sạch mà là cả chợ bán cá sạch (chợ bán hải sản khai thác tại vùng biển an toàn)”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh. Phó Chủ tịch cũng đề nghị Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang kiểm tra chất lượng đầu vào nguồn hải sản, trước mắt tiếp tục cung cấp cá để duy trì, ít nhất là các điểm bán cá sạch đã triển khai; về lâu dài phải xây dựng chuỗi cung cấp hải sản từ nguồn cung đến nơi tiêu thụ. Sở Công thương và các ban quản lý chợ, các chợ nhỏ thuộc cấp quận tiến hành phân khu chức năng lại các chợ như: khu vực bán cá, bán thịt an toàn, bán rau sạch, từ đó chuẩn bị công tác quản lý hải sản nói chung, thực phẩm nói riêng. Chợ phải có hệ thống thoát nước, thu gom, hệ thống phòng cháy chữa cháy, có lối đi lại rõ ràng… để tiến đến xây dựng chợ văn minh, an toàn. Sở NN&PTNT, Sở Công thương tiếp tục duy trì việc kiểm soát nguồn thực phẩm vào Đà Nẵng để người tiêu dùng sử dụng nguồn sản phẩm an toàn, bảo đảm sức khỏe. |
Tiếp tục kiểm soát nguồn hải sản an toàn Trưa 4-5, sau buổi làm việc đầu tiên của đợt nghỉ lễ kéo dài, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ và các Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng, Nguyễn Ngọc Tuấn cùng ăn trưa với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại tòa nhà Trung tâm Hành chính thành phố. Các cán bộ, nhân viên đều hào hứng với các món hải sản như cá, mực, tôm, canh cá. Việc tổ chức cho những người làm việc trong tòa nhà Trung tâm Hành chính ăn bữa trưa với hải sản không phải để “đánh bóng”, mà nhằm khẳng định với người tiêu dùng rằng hải sản được tiêu thụ ở Đà Nẵng là an toàn. Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, trước thông tin đưa ra một cách nhiễu loạn, người tiêu dùng rất hoang mang, không biết đâu là cá ăn được và cá không ăn được. Nếu chúng ta không hành động, không làm rõ điều đó, nhân dân sẽ bị cuốn sâu hơn vào cơn khủng hoảng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, để an lòng dân, lãnh đạo thành phố đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để các ngành, các cấp vào cuộc; trước tiên là kiểm tra mẫu nước biển, sau đó kiểm soát nguồn hải sản bằng cách kiểm định chất lượng cá, nơi cung cấp cá, nguồn khai thác cá. Khi cá được ngư dân đánh bắt ở những nơi an toàn thì người tiêu dùng sẽ yên tâm sử dụng. Chủ tịch UBND thành phố giao các ngành, các cấp tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguồn hải sản, để nguồn hải sản khi đến Đà Nẵng an toàn và chất lượng. |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ